Thực phẩm an toàn cho người dân sử dụng phải như hàng xuất khẩu

Thực phẩm an toàn cho người dân sử dụng phải như hàng xuất khẩu
Chúng ta cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP).
 
Tình hình ATTP chuyển biến tốt
 
Báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cho thấy, công tác bảo đảm ATTP tiếp tục chuyển biến tích cực.
 
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Các chuỗi cung ứng có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty, một số tập đoàn lớn
thang-10-813-vu-ngo-doc-thuc-pham.jpg
Tình hình ngộ độc thực phẩm đã giảm
Ngành nông nghiệp đã tổ chức 1.216 hội nghị, hội thảo, tập huấn về chất lượng, ATTP cho 35.314 lượt người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên chứ không chỉ tập trung vào dịp lễ, Tết, tháng hành động vì ATTP.
 
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã ở 9 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Ngành y tế đào tạo được 3.000 cán bộ thanh tra liên ngành, nhưng một số tỉnh như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai chưa mở các lớp đào tạo.
 
Bên cạnh đó, các địa phương đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP. Trong đó phát hiện vi phạm của 56.816 cơ sở trên tổng số 347.503 cơ sở được kiểm tra. Xử phạt hành hành chính 8.409 cơ sở với số tiền trên 24,2 tỷ đồng, áp dụng hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, tiêu huỷ sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu ATTP.
 
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ, 288 người mắc, 101 người đi viện và 7 người tử vong.
 
Bộ Y tế đã xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin ATTP cập nhật trực tuyến các số liệu: Ngộ độc; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… Nhằm khắc phục tình trạng việc thu thập và xử lý báo cáo về ATTP chủ yếu dựa trên hệ thống báo cáo hành chính (giấy tờ) nên thời gian kéo dài, cập nhật không kịp thời, thiếu sự thống nhất. Các bộ Nông nghiệp và PTNT, Công Thương đang khẩn trương hoàn thành phần mềm cập nhật theo đúng tiến độ trên nguyên tắc tập trung cơ sở dữ liệu với sự phân định chức năng, nghiệp vụ của đơn vị mình.
 
Cùng với đó, các bộ Y tế, Nông nghiệp và PTNT, KH&CN, Công Thương đã xây dựng, ban hành một số thông tư liên quan nhằm thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước được phân công tại Luật An toàn thực phẩm.
 
 
Cần có thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cần tận dụng được những điểm thuận lợi trong công tác bảo đảm ATTP. Đó là nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết. Các tiến bộ KHCN, thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Những vấn đề đặt ra khiến quản lý ATTP ngày càng phức tạp là quy mô và chủng loại hàng hoá, mức độ trao đổi thương mại nông, thuỷ sản ngày càng lớn, đa dạng
 
nguoi-dan-phai-duoc-dung-thuc-pham-sach-an-toan-nhu-hang-xuat-khau.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị sơ kết về công tác ATTP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều đầu tiên là ý thức cộng đồng về ATTP, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng chuyển biến rất tốt. Công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Những chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn hình thành ngày càng nhiều. Hệ thống các phòng kiểm nghiệm thực phẩm bắt đầu tốt dần lên. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành Mặt trận Tổ quốc, các hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… rất tốt, “anh em có rất nhiều sáng kiến”.
 
“Chúng ta cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý cần lựa chọn thực hiện thí điểm trước hết tại các thành phố, đô thị lớn là những nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm.
 
Phó Thủ tướng cho rằng, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng. Đơn cử việc xử lý tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên mạng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ, cần có công cụ quét tất cả các sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc về luật và việc nhân rộng mô hình phải xem xét sự khác biệt, đặc thù giữa các đô thị lớn chủ yếu tiêu thụ, còn các tỉnh chủ yếu là sản xuất, quan trọng nhất là hiệu quả, không nên cứng nhắc về mô hình thanh tra ATTP tại quận, huyện, thị xã,
 
“Các bộ ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, gần nhất là khẩn trương vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin ATTP của Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, các địa phương để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời. Phần nào các đồng chí đã thống nhất được thì đưa vào ngay, không chờ xong toàn bộ”, Phó Thủ tướng đề nghị.
 
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
 
“Sắp tới, chúng ta cần đánh giá lại những kết quả đã đạt được sau 3 năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, giai đoạn 2011-2016 và xác định những hướng mới cần tập trung trong công tác ATTP trong giai đoạn tiếp theo như thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng như hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, Phó Thủ tướng nói.
 
Mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Tránh nể nang, lạm quyền
 
Từ ngày 10/7 tới, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quyền hạn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, người dân.
 
Từ năm 2015, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường.
 
Thành phố hiện đã tổ chức các lớp đào tạo cho khoảng 2.700 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác tập huấn đã truyền tải được những nội dung cơ bản và cần thiết để thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở. Dù vậy, điều lo ngại nhất là một số cán bộ có thể áp dụng một cách máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức về quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dẫn đến khi phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm thì xử phạt chưa đúng; hay do chưa nắm chắc nghiệp vụ nên không dám phạt vì sợ bị khiếu nại.

Ngoài việc đào tạo cấp chứng chỉ cho lực lượng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ nay đến ngày 5-7, thành phố cũng tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 450 người và tập huấn các kỹ năng thanh tra cho hơn 1.000 người.

Ông Trần Văn Chung đề nghị, các địa phương cần phải có những hoạt động thanh tra, kiểm tra thực tiễn hơn, không dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép mà phải kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, xét nghiệm các chất tồn dư trong thực phẩm, kiểm tra quá trình thực hành các quy định an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến thực phẩm… Mặt khác, tập trung kiểm soát thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn nhanh, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, khi hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thanh tra cấp trên với cấp cơ sở để tránh chồng chéo. Với mô hình sản xuất, kinh doanh khác nhau tại nội thành và ngoại thành, cũng phải có những cách thức tiến hành thanh tra, kiểm tra khác nhau.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung cho rằng, để tránh sự chồng chéo, lạm quyền trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phải giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh.
 
 

 

Theo Ngọc Thủy (tổng hợp)/knhtenongthon.vn