Thương gia "chân đất" tiêu thụ cả nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn
- Thứ sáu - 13/07/2018 08:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người đầu tiên gắn bó với quả vải
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở vùng đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), những ngày đầu lập gia đình, ông Thơm từng bén duyên với nghề buôn cá giống và trồng vải thiều. "Tôi trồng vải thiều từ những năm 1980 và mở rộng diện tích cây đặc sản này vào những năm 1990. Khi đó ở đây còn ít người trồng, nhưng tôi đã có sản phẩm ngon bán ra thị trường được khách hàng ở nhiều nơi biết đến" - ông Thơm kể.
Ông Đoàn Văn Thơm thu hoạch vải thiều tại vườn của gia đình ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
"Chúng ta đừng nhầm tưởng mình làm ra sản phẩm ngon đặc sắc, như bố mẹ đẻ ra đứa con gái xinh đẹp danh giá rồi trông chờ họ đến nhà tán tỉnh, mua hàng, mà chúng ta phải chủ động hội nhập, chủ động tiếp thị quảng bá sản phẩm thì mới đắt giá và không bị thiệt thòi khi làm ăn với đối tác". Ông Đoàn Văn Thơm |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, ông Thơm cho biết, nhờ bén duyên sớm và thành công trong nghề trồng vải mà gia đình ông đã có tiền xây được căn nhà khang trang, đẹp nhất, nhì huyện vào thời điểm những năm 2000. "Ngôi nhà này không chỉ là nơi ở của gia đình mà nó còn là thành quả và kỷ niệm đặc biệt với tôi từ khi gắn bó với cây vải đến giờ" - ông Thơm nói.
Vườn vải thiều của gia đình ông Thơm có nhiều cây tán rộng đến hàng chục mét vuông, gốc vải to bằng cả người ôm. Ông Thơm cho biết, các cây vải này đã khá già, có cây lên đến 40 tuổi nhưng vẫn cho trái đẹp, ngon ngọt mà ít vườn vải ở Lục Ngạn sánh được.
Ông Thơm cho hay: Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi với chất đất làm nên chất lượng vải thiều ngon, ngọt đặc biệt mà không tỉnh, thành nào trong cả nước sánh được. "Chính bởi thế mà hàng năm cứ vào vụ vải lại có cả nghìn thương nhân trong và ngoài nước tìm về "thủ phủ" vải thiều để mua và thưởng thức thứ đặc sản đặc biệt này" - ông Thơm chia sẻ.
Hiện, gia đình ông Thơm đang sở hữu khu vườn rộng hơn 6 mẫu, chuyên trồng vải và cam. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường hơn 10 tấn vải và 20 tấn cam, bưởi các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Không chỉ sản xuất vải thiều, ông Thơm còn làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm vải thiều cho bà con các xã trên địa bàn huyện. Hàng năm cứ trước mỗi vụ vải, ông Thơm lại xuất ngoại sang Trung Quốc tìm hiểu thực địa vùng vải của nước bạn và gặp đối tác để thương thảo, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm vải thiều của địa phương mình.
Muốn chiến thắng phải hiểu rõ đối thủ
Ông Thơm cho hay: Trung Quốc không chỉ là bạn hàng lớn của Việt Nam mà họ còn là đối thủ cạnh tranh rất mạnh với chúng ta về nông sản, đặc biệt là quả vải. Vì vậy, chúng ta muốn bán hàng, muốn cạnh tranh được thì phải hiểu đối thủ của mình là ai, họ có những gì và họ làm sản phẩm như thế nào? "Bên Trung Quốc có nhiều vùng có diện tích trồng vải rất lớn, nhưng vải của họ có màu vàng không đẹp mã, ăn dai ngọt, chát không thể sánh được với chất lượng quả vải Việt Nam, nên mỗi vụ thương lái bên đó lại đổ xô sang Việt Nam thu mua vải để đưa về tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đi các nước khác. Nắm được điều này nên năm nào tôi cũng chủ động chăm sóc vườn vải sao cho đạt chất lượng, mẫu mã tốt nhất và làm việc với các chủ vườn vải tại các xã trên địa bàn huyện để chuẩn bị lượng hàng cung cấp cho họ" - ông Thơm tiết lộ.
Ông Thơm cho hay, để tránh điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa khi bị lái buôn thao túng, nói gì thì nói, người dân Lục Ngạn nói riêng và các nông dân tại các tỉnh, thành của Việt Nam nói chung muốn tiêu thụ được sản phẩm thuận lợi thì phải đến nơi tiêu thụ, vào tận chợ Trung Quốc, một trong những nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới để tìm hiểu thực tiễn thì mới có kiến thức để áp dụng sản xuất cho phù hợp và có phương pháp đàm phán tiêu thụ sản phẩm hợp lý, tránh rủi ro không đáng có.
Theo ông Thơm, nhiều người trồng và lái buôn người Việt tưởng rằng lái buôn Trung Quốc chỉ mua hàng đưa về nước, nhưng thực chất khi họ sang Lục Ngạn, các bạn hàng của chúng ta sẽ mang theo 3 vòng vải để chọn, họ thường chọn mua vải loại 1, là loại vải to nhất có kích cỡ khoảng 4 phân. Với loại vải này, lái buôn Trung Quốc sẵn sàng mua của nông dân với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau đó đóng thùng, dán tem, nhãn mác cẩn thận rồi xuất thẳng sang các nước châu Âu, còn loại vải 2 nhỏ hơn họ mua đưa về tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nước, riêng loại 3 họ không mua, để lại cho lái buôn Việt tiêu thụ.
Ngoài việc “xuất ngoại” sang giao thương với lái buôn Trung Quốc, hàng năm gia đình ông Thơm còn tiếp đón các đoàn lái buôn nước bạn sang tạm trú để mua vải tại nhà của mình. Chính vì thế, ông Thơm rất am hiểu đời sống ăn, ở, mua bán của các lái buôn đất nước "tỷ dân" này.
Cùng với việc trồng và xuất bán vải tươi, hàng năm gia đình ông Thơm còn làm vải sấy. Ông Thơm cho rằng: "Việc sơ chế và sấy khô sản phẩm vải sẽ giúp người trồng chủ động hơn trước áp lực của mùa vụ và thị trường. Hơn nữa, việc sấy khô sẽ giúp xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với giá tốt hơn".
Cụ thể, theo ông Thơm, thị trường Trung Quốc tin dùng 2 sản phẩm vải sấy của Lục Ngạn là vải tái và vải khô. Vải tái được Trung Quốc thu mua về chủ yếu để chế biến thành các sản phẩm khác. Chính vì thế, người làm vải sấy phải nắm bắt được thị hiếu này để điều chỉnh cho phù hợp. Để sấy được vải đảm bảo chất lượng, phải sấy vải 1 lửa trên lò từ 24 giờ đến 36 giờ, tùy theo nhu cầu của khách hàng. Thông thường tỷ lệ sấy khô khoảng 3,5/1 (3,5kg tươi được 1kg khô) hoặc 4/1 (4kg vải tươi sấy được 1kg vải khô) là đạt chất lượng.
Dù sản phẩm vải thiều đang nổi tiếng và được tiêu thụ ở nhiều thị trường trong - ngoài nước, song theo ông Thơm, về lâu dài muốn tránh áp lực mùa vụ như vụ vải vừa qua, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan, tỉnh Bắc Giang cần sớm chú ý đến khâu chế biến bằng cách đưa ra các chính sách, chủ trương tốt, hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chế biến vải thiều nhằm gia tăng thêm giá trị và thu nhập cho nông dân.
Theo danviet.vn