Tiêm vacxin cúm gia cầm: Tại sao "nổ" dịch nhiều hơn?

Tiêm vacxin cúm gia cầm: Tại sao "nổ" dịch nhiều hơn?
* SỐ XÃ CÓ H5N1 TĂNG GẦN 4 LẦN! Thật bất ngờ khi số tỉnh tham gia vào dự án tiêm vacxin cúm gia cầm (CGC) lại “nổ” dịch nhiều hơn các tỉnh không tiêm vacxin. Đáng báo động là số xã nổ dịch năm 2012 gia tăng phi mã, gấp nhiều lần năm 2011, lên gần 300 xã!

CÀNG TIÊM CÀNG… PHÁT HOẢNG!

Theo tìm hiểu của PV, từ đầu năm 2011, do có sự xuất hiện của nhánh virus CGC mới 2.3.2.1 làm cho hiệu lực của vacxin giảm nhiều (nhánh 2.3.2.1 nhóm A làm giảm hiệu lực vacxin còn 70% và nhóm B làm cho vacxin không còn hiệu lực). Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng tiêm phòng tại các tỉnh, thành phố có nhánh virus mới.

Sau đó, đã có 110 triệu liều vacxin CGC cấp cho 13 tỉnh khu vực ĐBSCL (nơi có nhánh virus cũ, vacxin còn hiệu lực) và một số tỉnh phía Bắc để tiêm phòng. Vậy nhưng vẫn có tới 6/13 tỉnh trong dự án tiêm phòng (13 tỉnh ĐBSCL) có dịch CGC, chiếm tỷ lệ trên 46%. Đáng ngạc nhiên hơn, kết quả kiểm tra các tỉnh không tiêm phòng lại cho thấy, chỉ có 17/50 tỉnh phát dịch, tức chỉ chiếm 34%. Sang năm 2012, tỷ lệ tỉnh phát dịch tại khu vực (có hoặc không tiêm phòng) có phần tương đương nhau, lần lượt là 46,15% và 50%.


Số xã có H5N1 đã tăng gần 4 lần chỉ trong vòng 1 năm

Ông Nguyễn Phước Trung - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đặt câu hỏi: Tỷ lệ tỉnh có tiêm phòng vacxin lại nổ dịch cao hơn cả ở khu vực không tiêm phòng là hết sức lạ, cần phải tìm ngay lý do để xử lý. Liệu vacxin đang có vấn đề, virus H5N1 liên tục thay đổi, hay có những nguyên nhân nào khác cần phải sớm được làm rõ?

Liên quan đến sự bất thường này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các Trung tâm Thú y vùng cần nghiên cứu sâu hơn nữa nguyên nhân tại sao một số vùng năm nào cũng tái dịch CGC? Tại sao vùng tiêm phòng lại tái dịch nhiều hơn? Có chuyện này hay không? Nguyên nhân do cái gì và nằm ở khâu nào để xử lý ngay. Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, sắp tới có thể việc phòng chống dịch sẽ giao cho các địa phương, không để tình trạng cái gì cũng trông chờ Trung ương thì rất khó giải quyết nhanh và dứt điểm.

GẦN 300 XÃ CÓ VIRUS H5N1

Nhiều người giật mình khi biết năm 2011 VN chỉ có 82 xã phát dịch, thì chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2012 số xã đã tăng lên cấp số nhân với… 296 xã (của 32 tỉnh). Điều này cũng có nghĩa, thiệt hại của người chăn nuôi (cũng như chi phí hỗ trợ của Nhà nước) tăng lên chóng mặt. Năm 2011 tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng 151.000 con, thì chỉ nội trong 10 tháng đầu năm 2012 con số này đã tăng gấp… 4 lần khi có tới trên 616.000 con gia cầm phải “xử tử”!

Một câu hỏi đặt ra, liệu có phải chúng ta đã “bất lực” với dịch bệnh trong chăn nuôi hay không? Có lẽ, những số liệu trên sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đặc biệt lưu tâm.

Trong khi đó, lý giải điều này, Cục Thú y cho rằng có hàng tá nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh gia tăng tại VN. Ngoài những nguyên nhân mang tính “truyền thống” (tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, virus H5N1 tồn lưu trong môi trường, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bát nháo...) thì yếu tố cực kỳ quan trọng là virus gây bệnh đã có những biến đổi và chưa có vacxin đặc hiệu để tiêm phòng. Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y, về cơ bản nhánh virus mới (Clade 2.3.2.1) lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Đặc biệt gần đây xuất hiện nhóm virus mới (nhóm C) thuộc nhánh 2.3.2.1 gây chết nhanh, chết nhiều thủy cầm tại hầu khắp các tỉnh từ Lạng Sơn tới Quảng Ngãi.

Ngoài ra, ông Đông cũng cho rằng, mức miễn dịch quần thể của đàn gia cầm không được duy trì ở mức cần thiết (theo lý thuyết phải đạt 80%) cho nên việc bảo hộ quần thể là không khả thi. Nguyên nhân do việc tiêm phòng bổ sung không đảm bảo, chu trình thay đàn nhanh (vịt khoảng 3 tháng, gà khoảng 1,5 tháng, nên trong 1 năm trung bình thay 4 đàn vịt và 6 đàn gà). Trong khi đó, việc tiêm phòng chỉ tập trung 2 đợt khiến nhiều đàn gia cầm nuôi mới không hề được tiêm phòng.

Theo nongnghiep.vn