Tiến Hưng phát triển điều bền vững

Tiến Hưng phát triển điều bền vững
Những năm gần đây, diện tích điều tại một số tỉnh Đông Nam Bộ có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do giá điều thấp trong khi ngành sản xuất, chế biến điều vẫn trong tình trạng manh mún, thiếu liên kết. Dù sản lượng nhiều nhất nhì thế giới nhưng ngành điều Việt Nam vẫn chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trước thực trạng đó, xã Tiến Hưng (thị xã Đồng Xoài - Bình Phước) đã tìm hướng đi mới bằng cách thành lập nhóm phát triển điều bền vững, thu hút đông đảo nông dân tham gia.

Công nhân bóc tách hạt điều tại xưởng chế biến của nhóm.

Ông Đàm Xuân Thọ, Trưởng nhóm mô hình phát triển bền vững ở xã Tiến Hưng cho biết: "Được sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ về mặt thủ tục của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thị trường quốc tế (MDI), ngày 17/07/2009, nhóm phát triển điều bền vững xã Tiến Hưng được thành lập. Đây là điều kiện để nâng cao thu nhập cho các thành viên trong nhóm, đồng thời cũng là cơ hội để sản phẩm điều của Tiến Hưng tiếp cận thị trường thế giới, giảm thiểu gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh điều.

Nhóm phát triển điều bền vững là tổ chức tự nguyện của những người sản xuất, chế biến, xuất khẩu điều. Hiện, nhóm có 48 thành viên. Bước vào mùa điều, nhóm trưởng và nhóm phó sẽ đứng ra thu mua toàn bộ điều của các thành viên với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, đóng gói thành phẩm sẽ xuất bán cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thị trường quốc tế. Lợi nhuận chia đều cho các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhóm thường xuyên tổ chức tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật chăm sóc điều, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy chuẩn của FLO , một tổ chức quốc tế về thương mại công bằng trong sản xuất, chế biến điều.

Năm 2010, nhóm đã ký hợp đồng với MDI, số lượng trên 3.000 tấn điều, trị giá trên 420 tỷ đồng. Nhóm còn ký hợp đồng với các công ty trong nước như: Hoàng Đạt, Điều Sài Gòn, Sa sa ca (TP.Hồ Chí Minh)… với số tiền trên 1 tỷ đồng. Trong đó, tiền gia công, phân loại, vận chuyển chỉ trên 143 triệu đồng.

Năm 2012, sản phẩm điều của Tiến Hưng tiếp tục có mặt tại Hội chợ thương mại công bằng quốc tế, tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc). Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho ngành điều cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Tuy nhiên, hiện nhóm đang gặp khó khăn về vốn, mong muốn của nhóm là tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương để phát triển sản xuất bền vững.

FLO (The Fair Trade Labelling Organization International) là tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng; hoạt động với mục tiêu cải thiện đời sống cho nông dân sản xuất nhỏ. Tổ chức này có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới và đã cấp 611 giấy chứng nhận về FLO toàn cầu.

Quảng Bình

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn