Tiếng nói từ chủ trang trại
- Thứ hai - 16/02/2015 08:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức sống mãnh liệt
Các trang trại, gia trại, hay còn gọi là các điền trang xuất hiện rất sớm, từ thời Ai Cập cổ đại, sau đó nhanh chóng lan dần ra khắp thế giới và ngày càng khẳng định sự trường tồn của mình. Ở Việt Nam, các trang trại được hình thành từ thời Lê, tuy có lúc thịnh lúc suy nhưng sức sống của nó ngày càng mãnh liệt.
Sản phẩm phục vụ Xuân Ất Mùi 2015 của nhà vườn Thái Nguyên.
Đặc biệt, khi đất nước mở cửa và nhất là khi chủ trương, chính sách cho kinh tế trang trại ngày càng thông thoáng, các ông chủ đất nhanh chóng trở thành những tỷ phú chân trần ngay trên quê hương mình, sản phẩm của họ được chuyển tới tay người tiêu dùng trong nước, khu vực và vòng quanh trái đất.
Phải khẳng định rằng, bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam ngoài việc là đất nước bé nhỏ nhưng đánh thắng 2 đế quốc lớn; người Việt Nam thông minh, cần cù và sáng tạo, họ còn biết đến chúng ta nhờ những sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới, 4 mùa rõ rệt trong năm mà thiên nhiên ưu đãi như: lúa gạo, chè, càphê, hồ tiêu, điều và những cây ăn trái đặc sản.
Những năm gần đây, khi các trang trại xuất hiện ngày càng nhiều đồng nghĩa với việc sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cũng tăng theo, nếu không có chiến lược phân phối và tiêu thụ sản phẩm thông thoáng, hợp lý, cộng với những khó khăn về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, tích tụ ruộng đất, chắc chắn các trang trại sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nét mới trong lịch sử hình thành và phát triển kinh tế trang trại của chúng ta là giờ đây đã có sự liên doanh, liên kết giữa các trang trại với nhau, giữa trang trại và doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức và bao tiêu sản phẩm.
Rào cản không đáng có
Nhân dịp đến thăm một số trang trại ở phía Bắc, chúng tôi thấy chủ trang trại đang gặp phải những rào cản không đáng có, vì những vướng mắc này đôi khi do chính chúng ta tạo ra.
Ông Hoàng Văn Chung, xã Bình Yên (Định Hóa - Thái Nguyên) cho biết, ông có trang trại chăn nuôi trên 1ha nuôi lợn, gà, vịt, ngan và ao cá gần 10 năm nay, nhưng đầu ra không ổn định, bấp bênh theo thị trường, vì không có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm. Những năm gần đây, khi gà ta ngày càng có giá, trang trại của ông đã đáp ứng nhu cầu này nên khách đến lấy tại nhà, không phải đem ra chợ, giá ổn định 120.000 đồng/kg, mỗi lứa xuất 1 tạ (2 lứa/năm). Tương tự như vậy, ngan ta có giá 55.000 đồng/kg, mỗi lứa 100 con (2 lứa/năm). Lợn nuôi công nghiệp 100 con/lứa.
Cũng theo ông Chung, nuôi lợn, gà, ngan sạch không khó, đầu ra thông thoáng vì thị trường ngày càng hướng tới sản phẩm sạch. Gà ta sức đề kháng tốt, không sợ ế, nếu chưa kịp tiêu thụ cũng không lỗ như gà công nghiệp. Vì vậy, từ 1 mẫu Bắc Bộ chè không hiệu quả, ông chuyển sang nuôi gà sạch, lấy cây chè làm bóng mát cho gà. Ông còn dự định nuôi lợn sạch nhưng chưa tìm được đầu ra. Mặt khác, nguồn vốn cho vay quá ít, chỉ được 50 triệu đồng/hộ, trong khi nếu xây chuồng nuôi lợn sạch cần tới 200 triệu đồng, chưa kể tiền mua con giống.
Thấy ông Chung nhiều lần nhắc đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tôi đã hỏi ông cách nào để có đầu ra ổn định, ông cho biết, năm 2000, khi hàng hóa từ các trang trại ngày càng nhiều, cần phải hợp tác với nhau theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” mới dễ dàng lưu thông sản phẩm. Vậy là ông đứng ra thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Yên, cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho địa phương. HTX có 30 người, nhưng đã nhanh chóng tan rã vào năm 2003, nguyên nhân do “bình” mới nhưng “rượu” vẫn cũ. Các thành viên HTX còn nặng phương thức làm ăn theo kiểu “đánh trống, ghi tên” của HTX thời bao cấp: trông chờ, ỷ lại, được chăng hay chớ, buông lỏng quản lý, làm thâm hụt công quỹ, dẫn đến tan vỡ. Do mạnh ai nấy làm, hàng hóa khi thừa, khi thiếu nên bị tư thương ép giá.
“Hiện, tôi vẫn có ý định thành lập HTX theo mô hình mới đã tham khảo ở nhiều nơi, nhưng vẫn trăn trở làm sao để ban quản trị tìm được người tâm huyết, vì dân, vì tập thể, hoặc đơn giản là tìm 1 kế toán giỏi cũng không dễ. Trong phát triển kinh tế, yếu tố con người rất quan trọng”, ông Chung chia sẻ.
Không riêng Bình Yên, nhiều bà con trồng chuối tiêu hồng ở Thái Nguyên cũng rút ra bài học từ những câu chuyện không mới như: mùa hè chuối chỉ 4.000 -5.000 đồng/kg, mùa đông và dịp Tết Nguyên đán có khi lên tới 10.000 đồng/kg. Có đơn vị đứng ra thu mua quanh năm cho bà con với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng sang mùa đông khi giá chuối cao, nhà vườn tự phá hợp đồng, vậy là đầu ra cho trái chuối lại rơi vào bế tắc.
Sát cánh cùng chủ đất
Ở Bắc Giang, người nuôi gà đồi Yên Thế cũng không khỏi băn khoăn khi giá gà sạch nuôi theo tiêu chuẩn GAP lại điêu đứng vì gà nhập lậu.
Bà Phan Thị Hạnh cho biết, bà có trang trại gà 4,5ha với gần 2 vạn con nuôi theo quy trình GAP, trong đó có 7.000 con chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Nuôi gà không vất vả nếu tuân thủ đúng quy trình; lợi nhuận cao, lãi ròng 500 - 600 triệu đồng/năm. Nhưng nếu không ổn định, lỗ hàng trăm triệu đồng là chuyện thường. Cụ thể, liên tiếp trong mấy tháng liền của năm 2013, giá đầu ra quá thấp do gà nhập lậu từ Trung Quốc áp đảo thị trường. Ngoài ra, còn có gà đông lạnh không rõ nguồn gốc nghi là của Đài Loan, giá rất rẻ, chỉ 40.000đồng/kg, bà con tham rẻ nên đổ xô đi mua 2 loại gà này. Vì vậy, gà Yên Thế từ 60.000 đồng/kg chỉ còn 40.000 -42.000 đồng/kg, có khi thê thảm hơn, chỉ 35.000 đồng/kg.
Bà Hạnh cho biết thêm, bà nuôi gà từ năm 2002 đến nay, qua theo dõi thị trường thấy, khi nào chính quyền làm mạnh tay, nhất là năm 2012, khi có chỉ thị của Chính phủ nghiêm cấm nhập lậu gà thải loại Trung Quốc, giá gà đồi trong nước có khi lên tới 80.000 đồng/kg. “Chúng tôi không cần giá cao như vậy, chỉ cần giữ mức 60.000 đồng/kg và không có gà nhập lậu là đã thắng lớn. Mặt khác, bà con chưa yên tâm vì gà Yên Thế vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, chưa có đầu ra ổn định. Nhà nước đang kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sao gà Yên Thế chưa đến được các khu công nghiệp, các thành phố lớn. Nếu có đầu ra ổn định, có cam kết giữa 2 bên bán/mua, chúng tôi không thể tăng giá được”, bà Hạnh khẳng định.
Cũng như bà con Yên Thế, ông Trần Văn Hành có 2ha vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, nguồn thu từ vải của gia đình ông ổn định từ 300-400 triệu đồng/năm. Nhưng cái khó là thời gian thu hoạch vải ngắn, lại gặp đường sá chật hẹp, ách tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hoạch và lưu thông sản phẩm.
Ở Hà Giang, ông Hoàng Quyền, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cũng cho biết, Hà Giang có 2 đặc sản nổi tiếng là cam sành và mật ong. Trước mắt, cần có kế hoạch dài hơi cho cây cam sành, nhất là việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, tạo ra sự khác biệt về hình dáng, chất lượng để cạnh tranh với cam Hàm Yên (Tuyên Quang). Cam Hà Giang có tên tuổi trước, nhưng cam Hàm Yên đã lọt vào top 50 loại trái cây tiêu biểu của Việt Nam. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, cam Hà Giang đang nặng về bón phân hóa học, thuốc trừ sâu có nồng độ cao, chưa sử dụng các sản phẩm an toàn sinh học, vì vậy, chưa có tiếng vang xa.
Được biết, Hà Giang đang đẩy mạnh phát triển vườn ươm cây giống, quy hoạch lại vùng cam. Chính sách cho người trồng cam đã có song chưa hiệu quả; thủ tục vay vốn có yêu cầu quá cao, các chủ trang trại không đáp ứng được.
Ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Mô hình HTX kiểu mới mà bà con phản ánh rất đúng, muốn có đầu ra ổn định thì phải liên kết, nhưng Nhà nước không cho kinh phí thành lập HTX kiểu mới thì rất khó. Về ruộng đất, nếu bà con thỏa thuận dồn ghép được, tỉnh giải quyết ngay. Hiện, cái khó của Thái Nguyên là đưa các trang trại chăn nuôi ra xa khu dân cư. Nếu sử dụng công nghệ cao để xử lý chất thải như men vi sinh thì quá tốn kém, không đủ kinh phí hỗ trợ. Các hình thức khác như đệm lót sinh học, hầm biogas không đáp ứng được nhu cầu khu chăn nuôi lớn. Một khó khăn nữa là điện lưới (3 pha) để phục vụ nông nghiệp nói chung và các trang trại nói riêng không ổn định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất”.
Trả lời những bức xúc của bà con Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Sẽ triển khai tốt hơn quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm đông lạnh nhập khẩu trái phép. Các phương tiện thông tin tuyên truyền tiếp tục giám sát, phản ánh kịp thời hậu quả do gà nhập lậu gây ra. Phối hợp với UBND TP.Hà Nội dự báo nhu cầu tiêu thụ gà Yên Thế; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp thực tế, ổn định tổng đàn. Đảm bảo sản phẩm cung cấp cho thị trường được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Về chính sách cho các trang trại vải, chỉ đạo ngành nông nghiệp ghép cải tạo giống vải thiều chín sớm. Hiện, diện tích chín sớm đã chiếm 10% diện tích vải toàn huyện. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng vải, bao gồm đường kết nối trục chính, đảm bảo xe container đi được vào khu sơ chế lấy hàng; xây dựng khu sơ chế, nhà máy sản xuất đá (công suất 24 tấn/ngày/đêm”.
Hy vọng, trong khó khăn, các chủ trang trại không đơn độc, mặc dù sự hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng thực sự là niềm động viên to lớn, là điểm tựa để bà con nỗ lực hơn.
Dương An Như
Theo kinhtenongthon.com.vn