Tiếng nói từ lòng dân
- Thứ bảy - 01/08/2015 09:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đường giao thông nông thôn mới tại xã Thường Nga.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
Thời gian qua, xuất hiện thông tin một số xã của huyện Can Lộc quá bất công trong việc thu những khoản phí vô lý hay bắt dân nghèo phải nộp tiền cũng như o ép người dân giống như thời kỳ phong kiến. Thông tin đưa chẳng khác gì “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố thời kỳ mới. Sự việc cho đến nay đã được Trung ương chỉ đạo điều tra làm rõ.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trực tiếp về địa phương nêu tên, những tưởng về đây không khí sẽ ảm đạm bao trùm quê nghèo. Nhưng ngược lại, không phải thế, mà không khi chuẩn bị đón chào ngày hội lớn, ngày Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc sắp sửa cận kề, cờ đỏ băng rôn, khẩu hiệu tràn ngập làng quê, người dân tưng bừng phấn khởi rảo bước trên những con đường bê tông rộng mở, đường làng ngõ xóm từ lầy lội nay được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Người dân trên quê hương cách mạng Can Lộc vẫn miệt mài sớm hôm lao động, vẫn chung thủy trước sau cùng góp công, góp sức, góp của để sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Ông Đường Trọng Hữu, Chủ tịch UBND xã Thường Nga, cho biết, xã đã có văn bản giải trình cụ thể, tường tận về những vấn đề mà báo chí đưa ra.
Thường Nga là xã miền núi trung du, một trong những địa phương được huyện Can Lộc chọn về đích NTM năm 2015, trước cú sốc mà thông tin nêu lên, khó khăn lại càng khó thêm khi một số người dân còn hoang mang chưa hiểu hết đầu đuôi xuôi ngược. Khi thông tin trên báo chí, cứ tưởng tất cả là sự thật, nếu ai đó chưa có dịp về nơi đây, cứ ngỡ rằng nơi làng quê yên ắng ấy đang dần trở lại thời kỳ "sưu cao, thuế nặng", cái thời mà nhà chị Dậu phải bán mình, bán cả bầy chó... Không, không phải thế, bây giờ đã bước sang thế kỷ thứ 21, đất nước phát triển, xã hội văn minh, dân trí tiến bộ vượt bậc, toàn dân đồng sức, đồng lòng cùng nhau bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xây dựng cuộc sống mới cho mình thì lấy đâu ra cái cảnh sức tàn, lực kiệt ấy?!
Văn bản phúc đáp thông tin trên báo chí của UBND xã Thường Nga.
Sau 4 năm triển khai XDNTM, Thường Nga đã xuất hiện 68 mô hình sản xuất tiêu biểu như tổ hợp tác liên doanh, liên kết các mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 20 con/lứa, trong đó có 2 mô hình nuôi lợn liên kết quy mô 500 con/lứa. Hình thức sản xuất mới này đã làm thay đổi tập quán sản xuất manh mún, góp phần giúp bà con đổi mới tư duy trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị.
Xã cũng phát triển thêm mô hình trồng cây ăn quả như cam, chanh tại khu vực xóm Bồng Sơn với diện tích trên 5ha, giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa và phát triển vùng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đi vào hoạt động.
Kinh tế phát triển, hộ giàu và khá tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo từ 15% (năm 2010) giảm còn 4,8%. Đến nay, Thường Nga đã đạt 12/19 tiêu chí NTM.
Tiếng nói từ lòng dân
Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã gặp trực tiếp một số người dân và đại diện các cấp chính quyền thôn, xã để có cái nhìn đa chiều hơn nhằm giúp bạn đọc giảm bớt áp lực do dư âm xấu về một làng quê. Biết rằng báo chí đại diện một phần cho tiếng nói của hiện thực nhưng cũng không thể đứng hẳn về một phía, nên biết rằng tập thể nào cũng có một số cá nhân có hiểm khích riêng. Đừng vì ích kỷ của cá nhân đó mà cố tình nhìn bằng màu xám tất cả, cần phải coi trọng tính nguyên tắc, tính tập trung dân chủ trên cơ sở được hình thành từ chủ trương đường lối, của Đảng, chính sách của Nhà nước. Vì lẽ đó, ông Đường Trọng Hữu, Chủ tịch UBND xã Thường Nga, như mối tơ vò, phần thì chỉ đạo các thôn thực hiện hoàn tất các tiêu chí NTM, phần chỉ đạo sản xuất, phần công việc thường ngày, trong đó mỗi ngày ông phải dành thời gian khá nhiều để tiếp các đoàn báo chí về “hỏi thăm”. Bạn bè xa gần nói vui, Thường Nga bỗng chốc "nổi lên như cồn”.
Biết chúng tôi là phóng viên Báo Kinh tế nông thôn nên ông Hữu đã cởi hết tâm can: Sau khi xã đã có văn bản giải trình cụ thể, tường tận về những vấn đề mà báo chí đưa ra, chỉ trích việc xã thu thuế và các loại quỹ mà người dân phải gánh chịu, xin được phân trần với các anh, trong những năm qua, Thường Nga luôn thực hiện việc thu ngân sách và các loại quỹ đúng theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11 về quy chế dân chủ cơ sở và Hướng dẫn số 408/STC ngày 21/3/2011 của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh trong việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng, XDNTM. Việc tổ chức chiến dịch thu ngân sách và các loại quỹ được thống nhất cao từ nghị quyết cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng uỷ mở rộng ngày 19/6/2015, sau đó UBND xã tiếp tục tổ chức họp mở rộng bàn bạc thời gian và địa điểm tổ chức chiến dịch tập trung thu trong 3 ngày 22-24/6/2015 cho gọn, được sự đồng thuận cao từ người dân chứ không có chuyện tổ chức đàn áp hay biện pháp mạnh o ép người dân để thu.
Biên bản giải trình sự việc của Trưởng thôn Đông Nam Ngô Nuôi về sự việc báo chí đưa ra là không có thật
Nói về thu quỹ giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất, ngoài sự hỗ trợ xi măng, toàn dân thống nhất vận động thu theo khẩu có ruộng hưởng lợi, từ các công trình phục vụ sản xuất. Bởi làm nông nghiệp thì chỉ căn cứ vào thửa ruộng để làm, mức ai nhiều ruộng đóng đậu nhiều hơn, ai ít ruộng thì đóng đậu ít hơn, hầu hết toàn dân đồng tình với cách làm này của xã. UBND xã áp dụng theo đúng Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11 và Hướng dẫn 408 của Sở Tài chính về huy động các khoản đóng góp của nhân dân và được nhân dân đồng tình thống nhất bằng văn bản cụ thể chứ không phải thu thuế nông nghiệp.
Còn nói về Đảng uỷ, UBND xã tự ý thành lập thôn Liên Minh nhằm huy động nhân dân đóng góp trả phụ cấp cho cán bộ cấp thôn là không chính xác, Thường Nga có 9 thôn, trong đó thôn Liên Minh được UBND tỉnh phê chuẩn tại Quyết định số 3868/QD-UBND ngày 6/12/2011 do đồng chí Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch thay mặt UBND tỉnh ký. Kinh phí hoạt động của thôn từ các chức danh đều do ngân sách tỉnh cấp và được trả phụ cấp hàng tháng theo quy định.
Nói về 10 năm nhân dân Thường Nga vẫn phải đóng thuế nông nghiệp là hoàn toàn sai sự thật vì thực tế thì năm 2003 xã đã bỏ thuế nông nghiệp theo đúng quy định của nhà nước. Còn về các loại quỹ thì đều vận động và thông qua nguyên tắc tập trung dân chủ, được sự đồng thuận cao trong mỗi người dân. Việc xã Thường Nga lấy nguồn đóng góp của nhân dân chi trả cho đại biểu HĐND số tiền 8.280.000 đồng và 15 người cấp phó số tiền 49.276.000 đồng là hoàn toàn sai. Thực tế phụ cấp sinh hoạt phí 24 vị đại biểu HĐND và 15 chức danh bán chuyên trách là nguồn ngân sách cấp trên được phân bổ từ đầu năm theo quy định.
Bà Lê Thị Hương trần tình khóc lóc không phải vì sưu cao thuế nặng mà do tủi thân vì nghèo đói
Sự thật phải được tôn trọng, bảo vệ
Chúng tôi tìm tới gia đình bà Hương, ông Ngụ để hiểu thêm về nỗi bức xúc mà thông tin phán ánh. Đứng trên phương diện bạn đọc chứ không phải làm báo khi xem hình ảnh người đàn bà còm cõi, tiều tuỵ, khuôn mặt gày gò hốc hác, ai cũng bất bình cho sự việc được thêu dệt từ một phía, ai cũng ngỡ là bà khóc vì các khoản thu từ xã. Nhưng thực tế thì hoàn toàn xa vời với cách nhìn đó. Được biết, gia đình bà Hương thuộc hộ cận nghèo, trong đó có một khẩu được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội 270.000 đồng/tháng. Hàng năm, chính quyền địa phương đều có chính sách trợ cấp lễ, Tết, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở. Trước mắt chúng tôi, một người đàn bà khô quắt, vòm mắt sâu hoắm, nhìn bà với con mắt thường cứ tưởng như bà đang khóc.
Biên bản sự việc của Bà Lê Thị Hương về việc khóc lóc do sưu thuế là không phải mà là do quá tủi thân
Bà Hương kể: “Khổ lắm mấy chú ơi, tui khóc là tủi phận do hoàn cảnh gia đình và con cái tàn tật, nợ nần triền miên, vả lại cả nhà chỉ còn tui lao động chính nuôi mấy miệng ăn. Phần nữa tui khóc do vì bựa nớ ông Ngụ nhà tui chở 300kg thóc đi xay xát bị thất lạc nhầm lẫn mất 30kg. Do tiếc của, tủi thân, tui ngồi khóc thì có 2 anh vô nhà nói là nhà báo rồi họ chụp ảnh đưa tui lên chứ có liên quan chi mô đến chuyện thu thuế, thu má như báo nói…”.
Còn ông Bùi Quang Ninh, cụm trưởng cụm Đại Vương, nói: Như thông tin, mỗi tháng nhân dân cụm này phải đóng góp 1,7 triệu đồng để nuôi ông cụm trưởng và các chức danh đoàn thể trong cụm. Ông Ninh tỏ ra rất bức xúc, chuyện đó là hoàn toàn bịa đặt, oan cho xã, oan cho tui, vấn đề này tui đã có tờ trình lên UBND xã Thường Nga đề nghị các cơ quan chức năng có thái độ nghiêm khắc với người cầm bút đó, bởi thông tin đó hoàn toàn bịa đặt, bản thân tôi không hề nói với nhà báo như vậy. Báo chí là tiếng nói của Đảng, phải phản ánh trung thực, phải tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chớ đừng vì mâu thuẫn cá nhân nào đó để đổ vấy lên đầu xã, huyện, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của báo chí, làm ảnh hưởng đến phong trào XDNTM của xã nhà là không thể chấp nhận.
Biên bản của cụm trưởng cụm Đại vương về sự việc báo chí thêu dệt việc ông trình bày với báo
Bà Nguyễn Thị Mai gặp chúng tôi tâm sự: Các chcuarC, bà sống đến bây giờ đã gần đất xa trời trời mới thấy con đường bê tông, trạm xá, trường học, thôn xóm khang trang, đó là nhờ chủ trương của Đảng và Chính phủ về XDNTM. Nhà tui (tôi) và hàng xóm có đóng góp một chút ít từ sản xuất lúa, khoai thì thấm vào đâu mà nói “sưu cao, thuế nặng”...
Bà Nguyễn Thị Mai.
Công cuộc XDNTM ở Thường Nga đến thời điểm này đã thực hiện được 2/3 chặng đường, với các nguồn đầu tư lên tới trên 23 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực huy động từ người dân đóng góp chỉ hơn 700 triệu đồng thì không thể cho đó là “gánh nặng quê nghèo” hay “sức tàn lực kiệt" được!
Theo báo cáo số 91 ngày 29-7-2015 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh: Tất cả các khoản thu ở xã Thường Nga đều được thông qua và xin ý kiến của nhân dân. Xã đã áp dụng thu, chi theo đúng quy định pháp luật Nhà nước. Sở này cũng cho rằng, cần xử lý một số thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng, bi kịch hóa đời sống ở nông thôn, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa phương. |
Theo: kinhtenongthon.com.vn