Tìm lại vị thế cho ngành chăn nuôi lợn

Tìm lại vị thế cho ngành chăn nuôi lợn
2012 có vẻ là năm đầy khó khăn với ngành chăn nuôi khi liên tục từ đầu năm đến nay, nông dân phải đối mặt với không ít thách thức, hết giá thức ăn tăng cao lại đến dịch bệnh hoành hành, rồi việc phát hiện chất tạo nạc có trong thịt lợn... Với bằng ấy “cú sốc”, không có gì khó hiểu khi các trang trại bắt buộc phải giảm đàn, thậm chí “treo” chuồng, còn chăn nuôi nhỏ lẻ thì không còn chỗ đứng.
 
Trang trại heo giống ở xã Vĩnh Phú Tây (Bạc Liêu).

Bài 1: Lớn nhỏ đều khó!

Sau dịch heo tai xanh hoành hành ở nhiều vùng miền trên cả nước, “cơn bão” chất tạo nạc trong thịt lợn đã làm người tiêu dùng xa lánh loại thực phẩm này, làm giá thịt lợn sụt giảm liên tục, các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn nhỏ không còn đủ sức để cầm cự. Nhưng có một nghịch lý là giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục xác lập những mốc giá mới.

Trang trại... rao bán

Lang thang trên mạng, lời rao bán (hoặc hợp tác) để phát triển dự án trang trại quy mô 2.400 con heo nái tại xã Tân Hà (Hàm Tân – Bình Thuận) của tài khoản babykevin đăng trên trang www.otosaigon.com làm tôi chú ý. Cũng trên nhiều trang rao vặt, mua bán trực tuyến khác, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin rao bán trang trại ở khắp mọi vùng miền với giá cả phải chăng. Ví dụ, trang trại nuôi heo tại Phước Vân (Cần Đước – Long An) được rao bán giá 1,5 tỷ đồng, với hệ thống hạ tầng đầu tư khá hoàn chỉnh gồm 2 dãy chuồng trại (1 dãy diện tích 600m2, 1 dãy diện tích 700m2); một ao 500m2 xung quanh trồng mít đang cho thu hoạch, một vườn cây thanh long 1.200m2 đang cho thu hoạch, hệ thống điện hoàn chỉnh, xung quanh trại rào lưới B40. Những chủ trang trại ở Đồng Nai, nơi chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhất cả nước cũng đang rầm rộ rao bán trang trại. Đơn cử như một trang trại nuôi heo ở huyện Cẩm Mỹ với diện tích 7.000m2 gồm 4 dãy chuồng, 1 dãy nhà cấp bốn, xung quanh có tường lưới bao bọc được rao bán với giá 2,3 tỷ đồng; hay trang trại nuôi heo gia công cho doanh nghiệp nước ngoài ở ấp Thọ An, xã Bảo Quang (Long Khánh – Đồng Nai) với diện tích 65.000m2 được rao bán với giá 6 tỷ đồng,…

Đằng sau những thông tin ấy là sự khó khăn của các trang trại khi phải đối mặt với dịch bệnh đe dọa, thông tin “chất tạo nạc” làm lũng đoạn thị trường, giá đầu vào tăng trong khi giá heo hơi xuất chuồng thì tuột dốc và việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó như… hái sao trên trời. Vì vậy, dù nông dân có muốn gắn bó với nghề cũng không thể gắng gượng được khi theo một con số thống kê, mấy tháng gần đây, ngành chăn nuôi thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng/tháng.

Con số thống kê của ngành chức năng cho thấy, người chăn nuôi đang bị bủa vây bởi trăm thứ khó, nhưng điều làm họ nản nhất vẫn là sản phẩm khó tiêu thụ và giá bán thấp hơn giá thành. Tại thời điểm tháng 7/2012, khi dịch heo tai xanh có dấu hiệu lan rộng ở nhiều tỉnh thành phía Nam, giá heo hơi xuất chuồng giảm đến 19% so với hồi đầu năm, chỉ đạt khoảng 39.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã lên đến 46.000 đồng/kg; tương tự giá gà thịt công nghiệp cũng giảm 23 – 27%, với mức giá này người nuôi đang chịu lỗ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Đây cũng là lý do khiến hơn 30% số người nuôi heo trên địa bàn Đồng Nai phải thu hẹp đàn, 30% bỏ chuồng, nhiều người phá sản hoặc rao bán trang trại. Nhiều tỷ phú chăn nuôi bỗng chốc trở thành tay trắng.

Tình trạng này cũng diễn ra tại thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh – Quảng Ngãi), nơi có hơn 10 trang trại nuôi heo quy mô lớn. Hiện, hầu hết các chủ trang trại đều gặp khó khăn do giá heo siêu nạc giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh hoành hành, giá cả bấp bênh trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng là nguyên nhân khiến số lượng các trang trại chăn nuôi đang giảm dần. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước chỉ còn khoảng 7.000 trang trại chăn nuôi, giảm đáng kể so với con số 17.000 trang trại cùng kỳ năm 2011. Có vẻ như, người chăn nuôi đã bị dồn đến bước đường cùng, vậy nhưng các ngân hàng vẫn dửng dưng đứng ngoài sự khó khăn ấy. Ngày 8/8/2012, Chính phủ đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay cho các trang trại, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn, gia cầm; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) nhưng cho đến nay, đã 1 tháng trôi qua, các ngân hàng vẫn chưa triển khai các chính sách trên. Đó cũng là lý do vì sao một số chủ trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đề xuất với ngân hàng được thế chấp đàn lợn để được vay vốn, dù việc này chưa có tiền lệ.

Chăn nuôi nhỏ... mất tăm

Chăn nuôi quy mô trang trại còn lao đao nên không có gì khó hiểu khi những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình hầu như không còn đất sống. Nếu như cách đây chục năm, hầu như gia đình nông dân nào cũng nuôi vài ba con lợn coi như “của để dành” thì nay đành để chuồng mốc meo vì càng nuôi càng lỗ. Tâm lý “lấy công làm lãi” cũng không thể chiến thắng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi liên tục phi mã trong khi đầu ra bấp bênh.

 

Giá thịt heo giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi gặp khó khăn.


Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), chỉ chưa đầy 5 năm trở lại đây, có tới 1,7 triệu hộ nông dân bỏ nghề chăn nuôi (lợn, gà). Điều này có nghĩa chúng ta bị thâm hụt một lượng lớn thực phẩm từ gia súc, gia cầm (cứ tính bình quân mỗi hộ nuôi 3 con thì mỗi năm chúng ta giảm đi 15 triệu con lợn, tương đương khoảng 10 triệu tấn thịt) và mất đi nguồn phân bón cho đồng ruộng. Những lý do vẫn “muôn năm cũ” nhưng giải pháp khắc phục thì chỉ mang tính tạm thời. Hay nói cách khác, trong một thời gian dài, người chăn nuôi phải tự bơi trong lốc xoáy của thị trường, của giá cả và dịch bệnh. Cho đến khi không còn sức cầm cự, họ đành buông xuôi, tìm sinh kế khác.

Câu chuyện một hộ gia đình ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khóc lóc, ôm riết lấy đàn lợn không cho tiêu hủy dù qua xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với virus tai xanh cho thấy, đó là cả cơ nghiệp, là niềm hy vọng, là cơm áo gạo tiền, cũng có thể là hành trang cho con em họ đến trường. Vậy nên dù biết heo đã bị bệnh, không thể không tiêu hủy (vì lợi ích chung của cộng đồng) thì họ vẫn của đau con xót. Tất nhiên, việc tiêu hủy sau đó vẫn thành công nhưng để nông dân quay trở lại với nghề thì khó, họ không thể chịu đựng thêm nỗi đau lần hai, không thể gánh thêm khoản nợ, trong khi các chính sách hỗ trợ dù có cũng đến chậm và nếu họ được hưởng chắc gì đã đủ đầy?

Khi chăn nuôi nông hộ đến hồi “cáo chung”, khi nông dân không còn mặn mà với những con vật vốn gắn bó với cuộc sống sản xuất từ nhiều đời nay, các ngành chức năng, nhà quản lý mới giật mình nhìn lại, phải chăng có một thời gian chúng ta đã “cổ súy” cho chăn nuôi quy mô trang trại mà quên mất chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, dù nhỏ lẻ nhưng cũng giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bản thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cũng từng đặt câu hỏi: Có nên hô hào phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn?

Tất nhiên, theo xu hướng phát triển chung, chăn nuôi quy mô lớn là đòi hỏi tất yếu, nhưng với một đất nước có tới hơn 70% dân số sống ở nông thôn, trong số đó còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thì có lẽ chăn nuôi quy mô nông hộ là lựa chọn hợp lý hơn cả. Bởi chăn nuôi quy mô nông hộ sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn, gây ô nhiễm môi trường không đáng kể, tạo nguồn phân bón cho trồng trọt và quan trọng hơn là tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho những người vốn ít. Đáng tiếc là cho đến thời điểm này ngành chức năng vẫn chưa có thống kê cụ thể nào về mô hình chăn nuôi này, người nông dân cũng không mấy khi được hưởng các chính sách hỗ trợ (vốn, tiêm phòng, thuốc phòng trừ dịch bệnh…). Có chăng, chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội, một số tổ chức hội đoàn thể cho vay vốn chăn nuôi nhưng nguồn vốn cũng rất hạn chế. Khi không còn sức chống đỡ, buộc phải bỏ nghề, bởi họ cũng không thể ôm lỗ.

Có một thực tế không thể buồn hơn là trong khi người dân lao đao vì thua lỗ và chăn nuôi không còn hấp dẫn với bà con vì nhiều lý do thì đây lại là lĩnh vực đang ăn nên làm ra của các doanh nghiệp nước ngoài. Với cách đầu tư khép kín (xây dựng trang trại cho người dân nuôi gia công, xây nhà máy chế biến thức ăn, bao tiêu sản phẩm), các doanh nghiệp đang thu lãi lớn. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu chúng ta không có chính sách duy trì chăn nuôi nông hộ (vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia), mà cứ chạy theo hoặc khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn, trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải trả giá, không chỉ về vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn khiến thị trường bị thao túng. Lúc đó hệ lụy sẽ khôn lường.

Chặng đường tìm lại vị thế cho ngành chăn nuôi vì thế sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Khánh Nguyên
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn