Tin NN ĐBSH: Rau xanh tăng giá, đắt hàng đầu xuân mới

Tin NN ĐBSH: Rau xanh tăng giá, đắt hàng đầu xuân mới
Những ngày đầu xuân mới này giá các loại rau xanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tăng mạnh. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, thuỷ sản... cơ bản ổn định.

rau.jpg
Sau Tết, rau xanh khan hiếm và tăng giá mạnh.

Hưng Yên: Rau xanh tăng giá, đắt hàng đầu xuân mới

Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa, quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm thì các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống gồm: thủy sản, thịt bò, thịt lợn, các loại rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân. Qua khảo sát, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, thuỷ sản cơ bản ổn định hoặc tăng nhẹ, còn các loại rau xanh lại khan hiếm, tăng giá gấp hai, ba lần so với trước Tết mà vẫn đắt hàng.

Trong khi sức tiêu thụ thịt lợn ra Tết khá chậm thì tại các cửa hàng bán thủy sản, chủ yếu là cá tươi, sức mua cao hơn trước và giá bán tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết. Một tiểu thương tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Sau Tết, khách hàng chủ yếu đến mua các loại cá trắm, cá chép có trọng lượng lớn, từ 4 - 6 kg về chế biến các món ăn như lẩu, hấp... Sức mua tăng nhưng giá bán chỉ nhích lên một chút so với trước Tết”.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh như chợ Gạo, chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), chợ Hới (Tiên Lữ), chợ Phủ (Khoái Châu)... giá thịt lợn dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại; giò lụa có giá từ 170.000 - 200.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn loại ngon có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg; thịt bò giá từ 300.000 - 320.000 đồng/kg… tương đương với thời điểm cận Tết. Đối với các mặt hàng thuỷ sản như cá chép, cá trắm có giá bán từ 65.000 - 80.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng từ 5 - 10% so với trước Tết Nguyên đán.

Một tiểu thương chuyên kinh doanh rau, củ ở chợ Phố Hiến cho biết: “Tôi thường đến các vùng chuyên canh rau màu như xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), xã Thiện Phiến (Tiên Lữ)... để lấy hàng về bán tại chợ. Tuy nhiên, những ngày này, lượng hàng ít , giá cả tăng, mỗi ngày một giá, đặc biệt là các loại rau xanh do ảnh hưởng của trận mưa lớn đêm 30 Tết và ngày mồng 1 Tết”.

Lý giải cho nguyên nhân giá cả các mặt hàng rau xanh tăng cao sau Tết, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả tại chợ Phủ (Khoái Châu) cho biết, do ảnh hưởng của trận mưa lớn đêm 30 và mồng 1 Tết, khiến nhiều diện tích rau của nông dân bị hư hỏng; ngoài ra những ngày sau Tết, khi đã ngán bánh chưng, giò, chả… thì nhu cầu của người dân về các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh tăng cao…

Hà Nam: Lựa chọn hình thức tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với thực tiễn

Từ năm 1997 đến nay, Hà Nam đã 2 lần dồn đổi đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán. Hiện bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1,2-1,7 thửa.

dat.jpg
Mô hình thuê quyền sử dụng đất của nông dân HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng) cho hiệu quả kinh tế cao. (Trong ảnh: Nông dân đang thu hoạch bắp cải để xuất khẩu sang Nhật Bản).

Tuy nhiên, bình quân đất nông nghiệp theo đầu người ở mức thấp, chỉ từ 600-650 m2/khẩu cùng với sản xuất quy mô nhỏ là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dụng đất và năng suất lao động.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, Hà Nam đang tích cực thực hiện tích tụ, tập trung (TTTT) ruộng đất gắn với thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Chủ trương TTTT đất nông nghiệp được cụ thể hóa bằng nghị quyết, kế hoạch, đề án. Hiện nay, tỉnh ta đã quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 650 ha. Ngoài khu quy hoạch, các HTX, nông dân ở nhiều địa phương cũng TTTT ruộng đất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng, lúa giống, cây ăn quả, rau, củ… với tổng diện tích hơn 1.800 ha.

TTTT ruộng đất đang được khuyến khích, song trên thực tế, quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, một phần do cơ sở pháp lý thực hiện TTTT đất nông nghiệp quy mô lớn chưa đầy đủ. Doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình TTTT dưới hình thức mua, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn, nhưng cơ sở để người dân góp vốn, góp cổ phần bằng đất, cơ sở tính giá đất, ưu đãi lãi suất… thiếu tính bền vững. 

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2013 xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Luật cũng quy định hạn mức giao đất đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp. Đó là căn cứ để thực hiện TTTT đất đai. Tuy nhiên, khó ở chỗ, pháp luật về đất đai cũng quy định hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa; hộ gia đình cá nhân có hộ khẩu thường trú không cùng đơn vị hành chính cấp xã không được chuyển nhượng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê đất nông nghiệp  trực tiếp với các hộ dân…

Không chỉ vướng các quy định của pháp luật, tâm lý giữ đất của nông dân khiến cho quá trình TTTT đất nông nghiệp khó thực hiện. Nhiều nơi, nông dân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất, không cho thuê quyền sử dụng cũng không hợp tác trong thực hiện dồn đổi vị trí. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa phát triển cũng là một trong những yếu tố làm chậm quá trình TTTT ruộng đất. Nông dân tích tụ đất đai nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương băn khoăn không biết nên khuyến khích tập trung hay tích tụ ruộng đất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Dù còn vướng mắc, nhưng các hình thức TTTT ruộng đất vẫn đang diễn ra. Chủ yếu là: Doanh nghiệp tư nhân, HTX hợp tác sản xuất với hộ nông dân theo phương thức nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư vốn;  doanh nghiệp thuê đất của nông dân và thuê lao động trong các hộ nông dân, hộ nông dân được hưởng tiền thuê đất và được trả công lao động cao hơn so với thời điểm chưa cho thuê đất; doanh nghiệp góp vốn bằng việc mua quyền sử dụng đất của nông dân để tổ chức sản xuất, hai bên cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro… Mỗi hình thức này đều có điểm mạnh và những hạn chế riêng.

Lựa chọn hình thức nào để khuyến khích TTTT ruộng đất là tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cũng như nhu cầu của các bên tham gia. Vấn đề ở chỗ, quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt, được pháp luật bảo hộ. TTTT đất đai mang tính hai mặt của một vấn đề, có thể tạo ra tác động tích cực, mặt khác có thể gây nên những tác động trái chiều, tiêu cực. Do đó, chính sách và giải pháp TTTT ruộng đất vừa phải thúc đẩy, vừa phải giải quyết được các vấn đề xã hội nảy sinh. Ngoài việc tạo điều kiện phát triển hiệu quả thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, giải pháp rút lao động ra khỏi nông nghiệp, hỗ trợ thay đổi sinh kế cho nông dân là yếu tố quan trọng không thể thiếu.

Thanh Hóa: Bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân        

Lịch gieo cấy các loại cây trồng trà xuân chính vụ và xuân muộn trong vụ đông xuân 2019-2020 bắt đầu từ tháng 2-2020, thời điểm này, nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất lớn.

176d5205827t23723l0.jpg
Được cung cấp đủ nguồn nước nên bà con nông dân xã Đông Ninh (Đông Sơn) tiến hành làm đất gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020.

Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có tới 332/610 hồ chứa thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên. Trong đó, có 24 hồ từ mực nước chết trở xuống, riêng 3 hồ chứa nước lớn, gồm: Hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân) thấp hơn so với mực nước thiết kế 14,99m; hồ Sông Mực (Như Thanh) thấp hơn so với mực nước thiết kế 1,78m; hồ Yên Mỹ (Nông Cống) thấp hơn so với mực nước thiết kế 1,03m. Trong khi đó, dự báo trong vụ đông xuân năm nay tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ không khí ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy cơ bản trên các sông chính trong mùa cạn năm 2020 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 đến 30%.

Trên cơ sở tình hình thực tế về nguồn nước của các hồ chứa, nhận định xu thế về thời tiết, thủy văn vụ đông xuân 2019-2020, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa dự báo thời điểm đầu vụ khi đổ ải vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020, diện tích có khả năng thiếu nước khoảng 24.000 – 25.500 ha. Trong đó, vùng phụ thuộc nguồn nước hồ đập lớn khoảng 5.500 – 6.000 ha; vùng đồng bằng ven biển và vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 7.000 – 7.700 ha; vùng đồng bằng, trung du tưới bằng bơm điện từ 7.000 – 7.300 ha; vùng phụ thuộc nguồn nước hồ đập nhỏ và các công trình đang thi công chưa kịp tích nước khoảng 4.500 ha.

Căn cứ vào các nhận định về thời tiết, mực nước và diện tích có khả năng thiếu nước của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất trong toàn vụ, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đã tiến hành đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Trong quá trình cấp nước, điều hòa phân phối nguồn nước hợp lý, tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa hiện tượng thất thoát nước, lấy trước tràn lan gây lãng phí. Lập lịch tưới luân phiên cho các kênh trong từng hệ thống tưới, tuyên truyền công khai lịch tưới rộng rãi để người dân biết và thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền các địa phương dẫn nước tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp lấy nước khi hạn hán xảy ra, gây khó khăn trong công tác điều hành chống hạn.

Bước vào đầu vụ sản xuất, do ảnh hưởng của các trận mưa, lũ năm 2019, nên nhiều công trình thủy lợi đã bị hư hỏng chưa được tu sửa. Vì vậy, các đơn vị khai thác các công trình thủy lợi đang tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương để thực hiện kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị, các sự cố hư hỏng công trình để kịp thời, chủ động hỗ trợ tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Đồng thời, nạo vét các cửa lấy nước ở trạm bơm, tu sửa phần cơ, phần điện của các trạm bơm tưới, sẵn sàng vật tư để nối dài ống hút có thể khi mực nước xuống thấp, nhất là đối với các trạm bơm tưới trên triền sông; xây dựng kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước, bơm chuyền, bơm tiếp nguồn khi có hạn hán xảy ra.

Đồng hành cùng các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trong việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập trung chỉ đạo, kiên quyết không cho bà con nông dân cấy cưỡng ở những nơi không đủ nguồn nước trong toàn vụ. Khẩn trương thực hiện kế hoạch làm thủy lợi mùa khô của năm 2019 nhằm bảo đảm hệ thống công trình thủy lợi thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng nhằm tạo thuận lợi để bà con nông dân lấy nước vào ruộng trong quá trình sản xuất và chăm sóc.

Hà Nội: Gần 59% diện tích gieo cấy của Hà Nội đủ nước sản xuất

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, tính đến 12h ngày 1-2, bốn doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước gieo cấy cho 52.784ha, đạt 58,68% diện tích sản xuất vụ xuân 2020. Trong đó, các huyện: Phú Xuyên đã cấp đủ nước cho 99,7% diện tích, Đan Phượng 99%, Ứng Hòa 91,29%, Hoài Đức 86,62%, Mỹ Đức 85,5%, thị xã Sơn Tây 83,73%...

lamdat.jpg
Nhân dân xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) xuống đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân ngay từ ngày đầu năm Canh Tý.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có diện tích gieo cấy lớn nhưng tỷ lệ cấp nước sản xuất đạt thấp, như: Gia Lâm 3,94%, Phúc Thọ 15,6%, Sóc Sơn 16,82%, Ba Vì 23,2%, Quốc Oai 28,04%… Cá biệt, một số quận có sản xuất nông nghiệp như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên vẫn chưa cấp nước.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mực nước sông Hồng đang ở mức thấp, không đủ điều kiện vận hành tối đa công suất các trạm bơm; nhân dân chưa thu hoạch xong cây rau màu; các doanh nghiệp thủy lợi bơm tích trữ trong hệ thống, chưa dẫn nước lên mặt ruộng…

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước, phục vụ nhân dân làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, các địa phương theo dõi chặt chẽ nguồn nước, sẵn sàng vận hành trạm bơm khi nguồn nước cho phép; chống thất thoát cho các diện tích đã được cấp đủ nước…

 Theo Thanh Tâm (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn