Biển Đông đang mùa gió chướng, khó khai thác hải sản, nhưng giá vẫn bình ổn, và sức mua tốt.
Hiện, biển Đông đang mùa gió chướng, biển động tàu bè khó khai thác hải sản. Dù chợ cá nội địa ở vùng ĐBSCL vẫn tiêu thụ tốt nhưng giá vẫn bình ổn và giảm nhẹ.
Cá biển tươi, tại cảng cá Trần Đề tiêu thụ tốt, giá vẫn bình ổn, giảm nhẹ
Tại Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), một số chủ vựa, thu mua cá biển, từ các tàu khai thác hải sản về, cập bến hằng ngày, cho biết: Hiện nay nhiều loại cá biển, mực tươi vẫn hút hàng, và được bán về các chợ nội địa trong vùng.
Tuy nhiên, do cao điểm phòng chống dịch COVID-19, khiến một số loại hải sản xuất khẩu chậm lại, giảm giá khoảng 20%, so với trước Tết.
Loại mực lá tươi, mực to bán tại cảng 195.000 đồng/kg, cá thu tươi loại nhỏ, cỡ 2-3 con/kg, giá 60.000-70.000 đồng/kg, loại lớn 2 con/kg, giá 200.000 -230.000 đồng/kg. Các loại cá bạc má, cá nục… vẫn bình giá 35.000-40.000 đồng/kg.
Nhiều chủ tàu khai thác hải sản biển ở cửa biển Sông Đốc (tỉnh Cà Mau), cho biết, ra Giêng, mùa gió chướng mạnh ngọn, tàu khó ra khơi. Hiện thời, giá dầu tuy giảm, trên 900 đồng/lít, chi phí đi biển cũng giảm xuống.
Song, chuyến biển sau Tết Canh Tý vừa qua, một số tàu gặp may mới trúng cá, mực khá còn phần nhiều hòa vốn, thất biển.
Quảng Ninh: Làm giàu từ nghề đóng tàu biển
Với nghị lực, bản lĩnh và ý chí vượt khó vươn lên, anh Phạm Văn Vững, thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã khởi nghiệp thành công, làm giàu từ nghề đóng tàu biển.
Anh Phạm Văn Vững cùng công nhân đang kiểm tra, hoàn thiện sản phẩm
Ở vùng đất Tiên Lãng, mọi người đều biết danh tiếng của Phạm Văn Vững, Giám đốc HTX Tàu thuyền Vững Tiến. Mặc dù mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Vững trông khá chững chạc, gương mặt rám nắng. Anh luôn sẵn sàng xắn tay áo, làm việc cùng với công nhân ở xưởng.
Kể về cơ duyên đến với nghề đóng tàu biển, anh Vững cho biết: Từ bé, tôi đã đi biển đánh bắt hải sản cùng bố mẹ. Khi bố mẹ mất, cuộc sống của tôi khá vất vả.
Tôi chỉ có thể học hết phổ thông, sau đó đi làm thuê về lĩnh vực cơ khí. Rồi tiếp đó vừa làm, vừa tự học sửa chữa, đóng tàu, thuyền. Tôi đi từ Nam ra Bắc. Cứ chỗ nào có xưởng sửa chữa tàu thuyền lớn là tôi lại học hỏi.
Tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2015, tôi quyết định mở một cơ sở đóng tàu quy mô hộ gia đình. Ban đầu, tôi chỉ làm mủng, bọc phủ vỏ gỗ bằng vật liệu nhựa composite. Lúc đó, cũng mới chỉ thuê 4 công nhân làm việc cho mình, lãi năm đầu được 70 triệu đồng.
Từ thắng lợi đó, năm 2018, anh Vững quyết tâm mở rộng quy mô, thuê thêm gần chục lao động, vay mượn bạn bè, đồng thời được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho thuê 3.400m2 đất để làm nhà xưởng.
Nhân công tăng, mặt bằng rộng rãi, anh Vững đã chuyển sang đóng tàu, thuyền từ cuối năm 2019. Đến nay, anh đã đóng được 5 chiếc tàu, thuyền.
Bên cạnh việc đóng, sửa chữa tàu thuyền, HTX của anh Vững còn bán, cung cấp phụ tùng thiết bị, máy móc, bán gas để có thêm thu nhập
Anh Vững chia sẻ: Ngư dân đóng tàu, thuyền ngày càng nhiều, sửa chữa, bảo dưỡng tàu, chắc chắn là nghề bền vững trong tương lai. Mục tiêu năm 2020, tôi sẽ mở rộng thêm 1 khu nhà xưởng, 1 khu nhà để công nhân có chỗ ở.
Mỗi tháng, chúng tôi kỳ vọng sẽ đóng được 50 mủng câu ven bờ; 2-3 chiếc tàu, thuyền kích thước 10-15m.
Theo chia sẻ của anh Vững, nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền rất vất vả, ,nặng nhọc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình làm việc cũng có thể đe dọa tính mạng của những ngư dân trên biển. Công việc này đòi hỏi sự tận tâm.
Cũng chính nhờ cái tâm và sự nhiệt huyết đó, đến nay HTX của anh Vững đã trở thành một trong những cơ sở đóng tàu có uy tín, góp phần thúc đẩy cho dịch vụ hậu cần nghề cá của xã Tiên Lãng nói riêng, huyện Tiên Yên nói chung.
Anh Hoàng Việt Tùng, Bí thư Huyện Đoàn Tiên Yên, cho hay: Anh Vững là người rất có nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống. Nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, nhưng anh Vững không nản chí, luôn tự học, tự tìm tòi những kỹ thuật mới, hiện đại để ứng dụng vào công việc, sản xuất.
Tấm gương của anh Vững đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ ở nơi đây noi theo.
Bằng nỗ lực vượt khó và lòng yêu nghề, anh Phạm Văn Vững đã khởi nghiệp thành công ngay trên quê hương mình. Trung bình, mỗi tháng, cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền của anh có doanh thu từ 250-300 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 14-15 công nhân tại địa phương, với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Vững đã khẳng định mình trong ngành sản xuất, kinh doanh đóng tàu biển, góp phần vào sự đổi thay của quê hương, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Khánh Hoà: Gỡ khó thủ tục giao đất sản xuất, kiểm định tôm giống
Dự án Vùng sản xuất, và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân, tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 1. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư đang gặp khó do chưa đầy đủ thủ tục pháp lý để giao đất.
Một góc vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân
Dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 60ha, trong đó có 29ha xây dựng cơ sở hạ tầng, và 31ha thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở sản xuất.
Dự án đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, cấp, thoát nước biển, nước ngọt; kênh thoát nước, ao trữ nước ngọt, ao xử lý nước thải, hệ thống cấp điện; trạm xử lý và bơm cấp nước; khu quản lý và kiểm định chất lượng tôm giống.
Theo Sở NN-PTNT, dự án được UBND tỉnh cho phép lập vào năm 2005. Triển khai thực hiện, Sở Thủy sản lúc bấy giờ đã ký hợp đồng với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa) để thực hiện trích, đo bản đồ địa chính vào năm 2006, và ký hợp đồng với Ban bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Ninh Hòa từ năm 2007, để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, và tái định cư dự án.
Từ thời điểm trích đo, đền bù đến nay, dự án đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp, nên một số giấy tờ của dự án đã bị thất lạc, trong đó có bản đồ trích đo địa chính của khu đất thực hiện dự án. Vì vậy, đến nay dự án chưa hoàn thiện thủ tục giao đất theo quy định.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua xem xét hồ sơ dự án, Sở nhận thấy, có một số vấn đề, Sở NN-PTNT cần phải làm rõ như: nguồn gốc đất, tính pháp lý để thực hiện dự án, trên diện tích 60ha, quyết định giao đất, và các giấy tờ pháp lý, chứng nhận được quyền sử dụng khu đất 60ha này, là để thực hiện dự án.
Chỉ khi có được các giấy tờ nói trên, mới có thể triển khai các thủ tục, quy trình, lựa chọn các nhà đầu tư, vào xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống.
Để hoàn tất thủ tục, tháng 11-2019, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Ninh Hòa, thực hiện sao lục bản chính hồ sơ trích đo bản đồ địa chính, khu đất thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đơn vị này phúc đáp: “Toàn bộ hồ sơ gốc file giấy, đã thất lạc. Chỉ còn file số bản đồ trích đo, và bảng tổng hợp loại đất được lưu trên máy tính”.
Bản trích lục từ file mềm này không đủ cơ sở pháp lý, để hoàn thiện thủ tục giao đất. Vì vậy, Sở NN-PTNT phải hoàn thiện trích đo địa chính, được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, để có cơ sở trình UBND tỉnh ra quyết định giao đát
Theo Sở NN-PTNT, khái toán chi phí đo đạc, trích đo địa chính, khu đất của dự án hơn 286 triệu đồng. Sở đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn, để thực hiện nội dung này.
Tại buổi làm việc mới đây, giữa UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về vấn đề này, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở NN-PTNT nghiêm túc rút kinh nghiệm, có hình thức xử lý đối với những cá nhân liên quan làm thất lạc hồ sơ, giấy tờ liên quan đến dự án.
Ông đồng ý bố trí nguồn vốn thực hiện đo đạc, hoàn thiện bản đồ địa chính của dự án. Đồng thời, giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ về dự án cơ sở hạ tầng Vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân, theo thẩm quyền được giao.
Sở Tài chính thẩm định kiểm toán kinh phí đo đạc và các nguồn kinh phí khác… Sau khi hoàn thành các thủ tục, Sở NN-PTNT, phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung xây dựng quy trình, thủ tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất.