Tinh giản biên chế: Nói dễ, làm khó

- Trong giai đoạn 2010-2015, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng 680.000 người. Một vấn đề được dư luận đặt ra là: Phải chăng quyết tâm tinh giản biên chế đang rơi vào tình trạng "nói dễ, làm khó"?
Không giảm, mà còn muốn phình
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau 05 năm thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP, ngày 08/08/2007 về chính sách tinh giản biên chế, biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập đã tăng từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như: Nghệ An 18 nghìn người, Thanh Hóa 17.300 người.
Trong số 67.389 người nghỉ thuộc diện “tinh giản biên chế” trên cả nước, có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%). Ðiều đó cho thấy, chính sách tinh giản biên chế chưa thật sự giảm được những người cần giảm - những người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tháng 11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, bước đi đầu tiên để thực hiện lộ trình chiến lược cải cách hành chính của Chính phủ đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị loại khỏi biên chế và Chính phủ dự kiến chi khoảng 8.000 tỷ đồng để giải quyết chế độ.
Tiếp đó, vào ngày 17/04/2015, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 39-NQ/TW yêu cầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Những diễn biến dồn dập nêu trên cho thấy tính cấp thiết của việc tinh giản biên chế của hệ thống chính trị nước nhà hiện nay. Vậy mà, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì trong năm 2015 nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục có công văn đề nghị xin thêm biên chế.

Những vật cản ngáng đường tinh giản
Một trong những cái khó của quá trình tinh giản biên chế là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực như “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập, loại ra những người không ăn cánh.
Cùng với đó, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Trong khi phần đông dư luận đồng tình với thông tin hiện nay số cán bộ công chức nhà nước 30% "sáng cắp ô đi, tối cắp về", thì các ở các cơ quan nhà nước vẫn không thể chỉ ra đó là ai, trong các bản báo cáo vẫn chỉ là "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống... Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách...
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó loại được ai khi bộ máy quá cồng kềnh, nhiều trung tâm quyền lực; trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân và tập thể; cách sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn mù mờ, thiếu minh bạch; nạn chạy chức, ô dù còn lộng hành, chưa thiết lập kỷ cương, còn tình trạng nể nang.
Giản thế nào để tinh?
Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nhiệm vụ tinh giản biên chế là công tác đánh giá phân loại cán bộ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Bộ Nội vụ đã xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ ở các mức độ khác nhau. Thứ nhất là lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ bao gồm chất lượng, tiến độ, tinh thần thái độ phục vụ làm nòng cốt. Thứ hai là tinh thần tận tụy, trách nhiệm, sự phối hợp công tác giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác. Bên cạnh đó còn có văn hóa giao tiếp, thái độ phục vụ người dân, chấp hành pháp luật, nội quy trong cơ sở ... Đó là những tiêu chí nòng cốt làm căn cứ phân loại công chức ở mức độ khác nhau”.
Cần đặt guồng máy vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, nếu bộ phận, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, làm không đúng các quy trình sẽ bị loại lập tức.
Tại Diễn đàn khoa học “Xây dựng chế độ công chức - công vụ chuyên nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công chức Việt Nam trong điều kiện cải cách hành chính” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức vào ngày 12/08/2015, TS. Thang Văn Phúc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Các vấn đề phát triển nhấn mạnh, thực hiện chuyển nền công vụ truyền thống theo chức nghiệp sang nền công vụ theo vị trí việc làm là một cuộc chuyển đổi cơ bản có tính cách mạng, phải vượt qua nhiều thách thức từ nhận thức tới phương pháp tổ chức kiến tạo mô hình phát triển đất nước.
Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Lại - Nguyên chuyên gia cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị nên tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính cấp Trung ương trong 10 năm tới. Theo đó, tinh giản biên chế buộc phải thực hiện, loại trừ nguy cơ giảm mà không tinh. Quan trọng nhất là khắc phục các tệ nạn tiêu cực trong công tác cán bộ, nếu không thì mọi vấn đề đều tắc nghẽn. Vấn đề then chốt vẫn là đổi mới công tác quản lý công chức, nếu cứ “rón rén” đi bước một để rồi trở lại điểm xuất phát thì không hy vọng tình hình có chuyển biến.
Có thể thấy, muốn tinh giản biên chế là điều không đơn giản, nhất là với bộ máy nhà nước vốn rất cồng kềnh, phức tạp. Trách nhiệm của người đứng đầu, có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức, nể nang, tình cảm cá nhân hay không chính là một trong những yếu tố quyết định. Người đứng đầu phải lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm mục tiêu để có thể thực hiện khách quan, công bằng, công tâm, không trái quy định đã được ban hành liên quan đến tinh giản biên chế./.
 
Loan Trần
theo kinhtevadubao