Tổ chức tín dụng: “Ngại” đầu tư cho nông nghiệp
- Thứ sáu - 29/08/2014 10:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều chính sách ưu tiên vốn cho nông nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách ưu đãi cho nông hộ gia đình, hợp tác xã và chủ trang trại… vay vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các đối tượng này được miễn tài sản thế chấp khi vay số tiền tối đa đến 500 triệu đồng. Sau 3 năm triển khai, Nghị định 41 đã thực sự đi vào cuộc sống và là kênh truyền tải quan trọng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Bên cạnh việc giảm mạnh mặt bằng lãi suất chung cho vay trong 3 năm trở lại đây, NHNN đã áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn thấp hơn mặt bằng chung 1 – 2% (khoảng 8%), qua đó đã góp phần giảm chi phí đầu tư cho lĩnh vực này.
Nhờ chính sách phù hợp và kịp thời, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã tăng mạnh, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đến cuối tháng 12/2013 đạt 671.986 tỷ đồng, tăng 19,67% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng trưởng 12,51% của dư nợ nền kinh tế.
Đến cuối năm 2013, dư nợ vay các chương trình của ngân hàng chính sách đạt 121.698 tỷ đồng, tăng 6,83% so với cuối năm 2012 với hơn 2 triệu lượt khách hàng vay vốn, tập trung ở một số chương trình tín dụng lớn như: cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm. |
Còn nhiều hạn chế
Theo đánh giá của NHNN, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, còn khá nhiều bất cập khiến các tổ chức tín dụng vẫn “ngại” đầu tư vào khu vực này.Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp tham gia “sân chơi” chung thì mô hình tổ chức sản phẩm theo hộ gia đình quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết không còn phù hợp, cần phải tổ chức lại.Thứ hai, đầu tư cho nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi đó, hiện nay vẫn thiếu hình thức bảo hiểm nông nghiệp để chỉa sẻ rủi ro với nông dân cũng như để ngân hàng yên tâm đầu tư vốn. Thứ ba, công tác huy động vốn trên địa bàn nông thôn còn thấp, chỉ đáp ứng 50 - 70% cho nhu cầu vay. Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải điều chuyển nguồn vốn từ khu vực đô thị về nông thôn, dẫn đến tình trạng thiếu chủ động và linh hoạt nguồn vốn tín dụng…
Để giải quyết những hạn chế này, tới đây, NHNN sẽ tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp cụ thể như: xây dựng thí điểm chính sách cho vay vốn nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phát triển. Đẩy mạnh cho vay thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đồng thời tăng cường cho vay đối với hộ nghèo và các hộ chính sách ở nông thôn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng đặc thù với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đồng thời khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.