Tôm hùm, vinh quang và cay đắng

Tôm hùm, vinh quang và cay đắng
Một hiện tượng chưa từng có đã xảy ra, tôm hùm rẻ xuất hiện ở vỉa hè, đường phố của TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam Trung Bộ, với giá chỉ trên 100.000 đồng/con. Tại sao loại đặc sản "quý tộc" này lại phải chịu số phận như vậy?. Người ta có thể đổ lỗi cho việc tôm bị dịch bệnh, bị thương lái Trung Quốc ép giá nhưng gốc rễ sâu xa của vấn đề vẫn là việc sản xuất theo phong trào dẫn đến "khủng hoảng thừa".
 
Các vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển tự phát, chưa có quy hoạch chi tiết.

Tại thương lái Trung Quốc?

Ở vào thời kỳ huy hoàng nhất, giá tôm hùm thương phẩm lên đến 2,8 triệu đồng/kg, mức giá mà không phải ai cũng đủ "can đảm" để được một lần thưởng thức loài hải sản này. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, giá tôm hùm thương phẩm giảm liên tục, chỉ còn khoảng 800.000-1 triệu đồng/kg. Người nuôi tôm hùm khắp dải đất Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Định, Khánh Hòa đều có chung tâm trạng buồn lo khi mà sự hoành hành của căn bệnh sữa trên tôm hùm đã khiến họ lao đao, giờ thêm việc giá giảm, nhu cầu của thị trường không lớn trong khi nguồn cung dồi dào càng khiến những nỗ lực cuối cùng bị trôi ra sông ra biển.

Tìm về những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của các tỉnh Nam Trung Bộ thời điểm này, không khó để nhận thấy nỗi buồn của nông dân đã dốc tất cả tài sản, vốn liếng để nuôi tôm hùm với hy vọng sẽ thắng lớn khi năm 2011, có những lúc giá lên cao ngất ngưởng. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh - Khánh Hòa), nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất cả nước, cho biết, gia đình đã đầu tư trên 700 triệu đồng để nuôi 2.000 con tôm hùm. Tôm mỗi ngày một lớn, chi phí thức ăn lên đến vài triệu đồng/ngày trong khi giá tôm chỉ 800.000 - 900.000 đồng/kg nhưng dù bị lỗ ông vẫn ngậm ngùi bán tháo vì không thể chịu được sức ép chi phí. Đã thế, thương lái còn lợi dụng việc thị trường tiêu thụ có vẻ "đóng băng" mà ra sức ép giá, thậm chí còn thu mua theo hình thức mua "xô", nghĩa là bất kể loại I hay II, III đều có chung một mức giá.

Khi giá tôm hùm bị đẩy xuống mức quá thấp, người ta chỉ biết đổ lỗi cho thương lái Trung Quốc "ép" giá và tỏ thái độ "đủng đỉnh ăn hàng". Khi rơi vào tình cảnh này, chính quyền các địa phương, ngành chức năng và người dân mới nhận ra, lâu nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của tôm hùm là xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thương lái nước ngoài đã tạo nên "cơn sóng" khi liên tiếp nâng con tôm hùm chiếm lĩnh mốc giá mới và nay cũng chính họ làm cơn sóng này lắng xuống, chỉ có những người trót chơi với "sóng" phải chịu đắng cay.

Tiên trách kỷ…

Vẫn biết "chơi" với thương lái Trung Quốc không đơn giản vì nông dân Việt Nam đã phải chịu quá nhiều "quả đắng" khi chủ yếu phụ thuộc vào họ trong khâu tiêu thụ nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là, chính bà con đã không đủ bản lĩnh để nhận ra những cái "bẫy" vô hình. Đơn cử như việc nuôi tôm hùm, sau thời điểm sốt giá năm 2010 - 2011, số lồng, bè nuôi ở các tỉnh Nam Trung Bộ tăng đột biến, vượt cả quy hoạch của các địa phương. Theo thống kê, Khánh Hòa hiện có trên 20.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó riêng huyện Vạn Ninh là 9.000 lồng với 1.200 hộ nuôi. Trên thực tế, Vạn Ninh đã từng quy hoạch vùng nuôi từ năm 2006 nhưng dường như điều đó không có ý nghĩa với nông dân, vì bà con vẫn giữ thói quen nơi nào nuôi được mùa, kín gió thì kéo đến thả lồng. Vậy nên mới có tình trạng mật độ nuôi ở một số nơi cao gấp 2-4 lần so với quy định. Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vạn Ninh, trong khi quy hoạch cho phép khoảng cách giữa cụm bè này với cụm bè kia phải đạt tối thiểu 100m thì bà con lại để chúng sát nhau. Tình trạng này cũng diễn ra tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) khi mật độ ngành chức năng quy định là 30-60 lồng/ha nhưng bà con đặt tới 75 lồng/ha. Đây là một trong những lý do dẫn đến dịch bệnh trên tôm ngày càng khó kiểm soát và nguồn cung tăng đáng kể trong khi thị trường không được mở rộng, thậm chí có phần thu hẹp. Trong một hội nghị bàn cách cứu tôm hùm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), bà Trịnh Thị Ái Liên, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Phú Yên đã thừa nhận một thực tế, hầu hết vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này đều chưa có quy hoạch chi tiết, các vùng nuôi đều phát triển tự phát, dẫn đến mức khó kiểm soát.

Theo đại diện Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp trong nước nào đứng ra thu mua, ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch cho con tôm hùm. Và khi chỉ phụ thuộc vào một thị trường, lại xuất theo đường tiểu ngạch (phần còn lại rất nhỏ đi vào các nhà hàng cao cấp) thì chỉ cần một động thái nhỏ của bạn hàng cũng khiến một loại đặc sản cao cấp như tôm hùm ngắc ngoải và tìm đường ra hè phố.

Đã có quá nhiều bài học về sự phát triển quá "nóng" theo phong trào nhưng nông dân dường như vẫn giẫm phải "gót chân A-sin". Chính vì vậy, để giúp bà con không liên tiếp "ôm quả đắng" trong quá trình sản xuất, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch, thậm chí cần có chế tài đủ mạnh cho việc phá vỡ quy hoạch nuôi, trồng của các vùng miền. Còn nếu cứ để tình trạng nông dân mạnh ai nấy làm như hiện nay thì những câu chuyện đau lòng của tôm, nhím, sắn, khoai lang, dừa,… sẽ còn tái diễn.

Khánh Nguyên

Nguồn:kinhtenonghthon.com.vn