Trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp gây ô nhiễm, người dân bức xúc

Từ ngày 25 đến 27-10, nhiều người dân xã Yên Tâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) lại căng lều lán, án ngữ trước cổng trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH P.N.T - Chi nhánh Thanh Hóa.

Trang trại của Công ty TNHH P.N.T- Chi nhánh Thanh Hóa khi mới đi vào hoạt động có quy mô nuôi 1.200 lợn nái. Tiếp đó, doanh nghiệp mở rộng quy mô, nuôi thêm 5.000 con lợn thương phẩm. Quá trình tổ chức hoạt động chăn nuôi, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực này, cho nên người dân xã Yên Tâm dựng lều trên đường vào trang trại phản đối. Ngày 29-9, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn yêu cầu Công ty TNHH P.N.T - Chi nhánh Thanh Hóa khẩn trương di chuyển hết đàn lợn nái ra khỏi trang trại Yên Tâm trước ngày 24-10 như đã cam kết; vớt hết lượng bèo tây tồn đọng tại khu vực kênh Hón Măng, bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa bão. Đã quá thời hạn nói trên, doanh nghiệp chưa chuyển hết lợn nái tại trang trại ra khỏi địa bàn, cho nên người dân lại dựng lều trước cổng trang trại để phản đối.

Phía Công ty TNHH P.N.T - Chi nhánh Thanh Hóa cho đến nay đã chuyển 5.000 con lợn thương phẩm đi nơi khác, đồng thời xây dựng thêm khu chứa, ủ phân, cải tạo hầm bi-ô-ga, hệ thống khử mùi, vớt bèo tây trên kênh Hón Măng, dần chuyển một phần nhà xưởng sang trồng nấm. Doanh nghiệp gặp khó khăn về quỹ đất, vốn, hiện còn nuôi đàn lợn nái cùng lợn đực giống tại trang trại và mong muốn duy trì sản xuất tại địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng ghi nhận cố gắng cải thiện môi trường của doanh nghiệp nhưng người dân không chấp nhận việc tiếp tục tổ chức chăn nuôi lợn nái tại trang trại.

Chiều 27-10, UBND huyện Yên Định đối thoại với người dân nhưng đại diện doanh nghiệp không tham dự. Biện pháp cưỡng chế được đề cập, buộc doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh nhằm ổn định tình hình cơ sở nhưng phải có thời gian khoảng một tháng để củng cố cơ sở pháp lý liên quan.

Theo: nhandan.com.vn