Trợ lực từ nguồn vốn khuyến nông

Trợ lực từ nguồn vốn khuyến nông
Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời nhằm tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm kinh phí đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Xây dựng các mô hình nông nghiệp mới đạt hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và huyện Phong Điền nói riêng đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Mỗi năm toàn huyện Phong Điền gieo cấy gần 10 ngàn ha lúa, nhưng chưa có giải pháp tận dụng rơm rạ hiệu quả. Số lượng rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thải ra môi trường hoặc không sử dụng hợp lý ảnh hướng rất lớn đến môi trường. Phần lớn rơm rạ sau thu hoạch được đốt ngay trên đồng, gây hại môi trường cũng như sức khỏe con người và lãng phí tài nguyên.

Sau khi tìm hiểu mô hình tận dụng rơm rạ của một số địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành hỗ trợ mô hình máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tận dụng được nguồn rơm rạ một cách hiệu quả.

13-36-33_mo_hinh_my_cuon_rom
Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy cuốn rơm.

Năm 2019, anh Hoàng Công Tấn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền làm 1,5 mẫu ruộng. Mọi năm, anh mất gần 1 tuần để phơi, thu gom, vận chuyển rơm về nhà sau thu hoạch. Công việc thu gom, vận chuyển rất vất vả, cần nhiều nhân lực. Vụ hè thu năm nay, anh chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.

Theo anh Tấn, năm nay, gia đình anh nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) máy cuốn rơm MRB 0850B. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình nên việc đầu tư đối ứng 50% với gia đình không quá khó khăn.

Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng, máy sẽ có hệ thống báo hiệu tự động bằng còi.

Tiếp theo, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 – 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50-80 cuộn/giờ, trung bình mỗi sào thu được 6-10 bó rơm. Máy có thể thu gom 4 ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm.

Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ ngoài đồng, giảm ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa; cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển nghề trồng rau, nấm rơm, chăn nuôi bò…, góp phần hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Từ nguồn hỗ trợ của đề án khuyến công tỉnh, HTX Nông nghiệp Hiền Lương, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) đã đầu tư kinh phí trang bị máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống phục vụ sản xuất lúa giống, góp phần tiết giảm nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau khi tham quan, học tập các mô hình sản xuất lúa giống tiên tiến tại các tỉnh, thành phố trong nước, HTX đã xây dựng đề án khuyến công xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống.

Tháng 6/2019, đề án được Sở Công thương tỉnh phê duyệt với mức hỗ trợ 88 triệu đồng, HTX đầu tư thêm 150 triệu đồng trang bị máy công suất 1,5 tấn/giờ và cải tạo lại nhà xưởng đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa giống số lượng lớn.

Sau khi đưa máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống tiên tiến vào hoạt động, không chỉ năng suất tăng gấp 5 lần so với trước mà còn giải phóng sức lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường do bụi lúa được ống thổi đưa vào phòng kín, chất lượng giống tốt hơn, góp phần tiêu thụ sản phẩm lúa giống cho bà con.

Giới thiệu máy sản xuất mạ khay cho các đại biểu.

Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết: Thực hiện đề án khuyến công của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện chọn HTX ở Phong Hiền để triển khai các mô hình như mô hình máy cuốn rơm tại HTX An Lỗ, mô hình máy sàng hạt giống ở HTX Hiền Lương, với nguồn kinh phí khuyến nông. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời nhằm tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm kinh phí đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến.

“Những mô hình được đưa vào thí điểm, khảo nghiệm đều là những giống cây trồng, mô hình mới nhằm đánh giá hiệu quả và khả năng thích nghi, tìm ra những hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng được lồng ghép trong quá trình thực hiện nhằm bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, môi trường, tận dụng tối đa lợi thế nông nghiệp để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Khoa Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phong Điền cho biết: Huyện Phong Điền đã thực hiền đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp có tính chìa khóa và tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững. Để thực hiện hiệu quả, cần lựa chọn những tiến bộ công nghệ có tính đột phá và các mô hình khả thi cao trên diện rộng, tạo sức bật về tăng năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, HTX sản xuất nông nghiệp và giá trị của sản phẩm.
Theo Võ Tứ/nongnghiep.vn