Trồng 5 công bồn bồn, vào vụ đều đều dồn 18-20 triệu/tháng
- Thứ sáu - 22/12/2017 17:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ra ở riêng với 9 công đất ruộng, ông Võ Văn Ba làm hoài không có tích lũy. Dịp tình cờ, ông Ba về quê vợ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước thấy bà con trồng nhiều cây bồn bồn. Thế là ông lóe lên ý tưởng trồng bồn bồn tại đất ruộng của mình.
Nghĩ là làm, ông Ba tìm hiểu cách trồng bồn bồn đạt hiệu quả nhất. Lúc mới thử nghiệm, ông Ba đầu tư hẳn 20 triệu đồng để cải tạo 3 công đất ruộng, mướn xáng cuốc bờ bao rồi bón vôi xử lý đất.
Mọi quy trình xong xuôi, ông Ba đợi tới mưa sòng để tích nước ngọt trồng bồn bồn. Đến tháng 6/2016, ông mua 15 bao giống bồn bồn về cấy trồng. Nhờ cải tạo đất tốt và bón vôi đúng quy trình nên chỉ sau 2 tháng, bồn bồn phát triển rất tốt và đã có thể thu hoạch.
Ông Võ Văn Ba đang thu hoạch bồn bồn nước ngọt để kịp giao hàng cho thương lái.
Nhận thấy cách làm này hiệu quả, ông Ba thừa thắng xông lên mướn thêm 2 công đất nữa để trồng bồn bồn. Thông thường mỗi ngày ông Ba cung cấp ra thị trường khoảng 25-30 ký bồn bồn tươi với giá 25 ngàn đồng/kg.
Ông Ba cho biết, so với cây bồn bồn trồng ở nước mặn thì bồn bồn trồng ở vùng nước ngọt ăn sẽ ngon hơn và vị ngọt hơn nên rất được ưa chuộng. "Mỗi ngày, tôi thu hoạch bồn bồn từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Sau đó, bỏ vào bao đem về nhà làm sạch rồi bán cho các mối ở chợ. Nếu tính ra 5 công trồng bồn bồn, tiền thu hoạch gấp cả mấy chục lần so với trồng lúa", ông Ba so sánh.
Ông Mạc Ngọc Truyền, cán bộ nông nghiệp xã Lý Văn Lâm thông tin, thực ra vài năm về trước, người dân ấp Bà Điều đã trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt trên diện tích hơn 15 ha. Thế nhưng do giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định nên diện tích dần thu hẹp và người dân nghỉ trồng hẳn.
Cái hay của ông Võ Văn Ba là tận dụng được thị yếu của thị trường và học hỏi thêm quy trình và kỹ thuật để cho năng suất cao. Nhận thấy ông Ba thành công với mô hình trồng bồn bồn vùng ngọt nên bà con xung quanh đã đến học hỏi kinh nghiệm và áp dụng trồng tại gia đình để tăng thêm thu nhập. Hiện đã có thêm 5-6 hộ ở ấp Bàu Sơn trồng bồn bồn.
Nhờ tận dụng thời cơ thích hợp, ông Võ Văn Ba đã tăng thêm thu nhập đáng kể nhờ trồng bồn bồn. Nhưng để nhân rộng mô hình này cho bà con địa phương thì cần phải xem xét nhu cầu của thị trường để tránh trường hợp được mùa mất giá như trước kia.
Bồn bồn sau khi rửa sạch có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh Chúc Ly/Danviet. Bồn bồn thuộc họ lau sậy, là loài cây mọc hoang trên mặt nước nhiều phèn mặn vào mùa nước nổi, có rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Nếu từng một lần nếm thử món dưa hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện. Bồn bồn sau khi rửa sạch có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Bồn bồn nổi tiếng với nhiều món ăn như dưa bồn bồn, bồn bồn nhúng lẩu, canh chua, bồn bồn xào tôm, làm gỏi, thậm chí có thể ăn sống. Món ăn từ cây bồn bồn đã có mặt trong thực đơn nhà hàng, như một đặc sản Miền Tây. |