Trồng cam lòng vàng nơi heo hút, đút túi gần 1 tỷ đồng mỗi năm
- Thứ bảy - 23/11/2019 18:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từng vướng vòng lao lý
Ngược về quá khứ, chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Văn Chất, dân tộc Thái, bản Củ 2, kể: Tháng 3/1978, tôi tham công tác tại Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 6. Năm 1989, tôi xuất ngũ trở về quê xây dựng gia đình và làm nông nghiệp.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Chất - người từng vướng vào vòng lao lý vì cây cà phê.
Đất đai ở quê rộng mênh mông nhưng chưa một ai dám đánh thức nó để làm giàu. Thời ấy, bà con chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa nên chỉ đủ ăn. Nhận thấy tiềm năng đó, vợ chồng tôi đã cần mẫn khai hoang 3 ha đất cằn để trồng cà phê. Những năm đó, cứ nhà nào trồng nhiều cà phê thì có cuộc sống ấm no và gia đình tôi cũng vậy.
Nhờ trồng cam, từ 2 bàn tay trắng, ông Chất phất lên thành tỷ phú.
Tính làm ăn lớn, ông Chất đánh liều vay 390 triệu đồng từ ngân hàng đầu tư vào cà phê. Tuy nhiên quả ngọt chưa thấy đâu thì “giặc” sương muối xuất hiện, trung bình cứ 4 – 5 năm xuất hiện một lần. Diện tích cà phê năm được mùa, năm mất trắng. Dần dần tiền thu được không đủ bù chi phí, cộng với khoản lãi phải trả ngân hàng. Cuộc sống ngày càng lao đao, ông Chất đành ngậm ngùi chặt bỏ toàn bộ diện tích cà phê.
Ngày qua ngày, nợ chồng nợ, ông Chất không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Rồi cái gì đến cũng phải đến, cái giá mà ông Chất phải trả là 6 năm tù giam (năm 2003 – 2009).
Tỷ phú miền sơn cước
Năm 2009, sau khi ra tù, được vợ con động viên, ông Chất vượt qua mọi mặc cảm và bắt tay làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm từ quá khứ, ông Chất dành nhiều thời gian tìm đến nhiều địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, như: Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang… để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm.
Theo ông Chất, khâu quan trọng nhất trong việc trồng cây ăn quả là giống tốt, phân bón, nước tưới đầy đủ.
Sau quãng thời gian đó, ông Chất quyết định đầu tư vào trồng cây cam. “Để có được giống cam chất lượng tốt nhất, tôi cất công xuống Trường Đại học Nông nghiệp – nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam mua 200 cây cam lòng vàng về trồng. Sau nhiều năm chăm sóc cây cam phát triển tốt, bắt đầu bói quả, đặc biệt là loại cây này chống chọi được “giặc” sương muối” – ông Chất nói.
Năm 2015, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, ông Chất tiếp tục mở rộng diện tích sang trồng cây cam V2, cam 36, cam Mỹ, cam đỏ, cam đường Canh, bưởi da xanh và bơ. Sau đó, ông Chất đầu tư thêm hệ thống tưới ẩm tự động, cung cấp nước đến từng gốc cây.
Những trái cam sai trĩu cành trong vườn nhà ông Chất.
Bên cạnh trồng cây ăn quả, ông Chất còn nuôi hàng chục con bò, hàng trăm con gia cầm để lấy phân bón cho diện tích cây trồng của mình.
Hiện, ông Chất trồng được 4.000 cây ăn quả các loại trên diện tích 4 ha. “Năm 2018, nhà tôi xuất bán hơn 60 tấn quả các loại ra thị trường, thu được trên 1,5 tỷ, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng. Năm nay, một số diện tích cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến xuất bán trên 100 tấn quả ra thị trường” – ông Chất phấn khởi.
Để thuận tiện cho khâu tiêu thụ sản phẩm, ông Chất cùng với một số anh em đứng ra thành lập HTX Trường Tiến do ông Chất làm giám đốc.
Ông Chất cho biết thêm: Tỉnh Sơn La đang có cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập HTX để thuận lợi trong khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, năm 2018, tôi cùng một số anh em đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Trường Tiến. Hiện HTX có 17 thành viên; toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lò Văn Sâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban, cho biết: Không chịu khuất phục trước những khó khăn trong quá khứ, từ 2 bàn tay trắng, ông Chất đã phát huy được phẩm chất của người lính cụ Cụ Hồ bứt phá lên thành hộ giàu có. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Chất còn tư vấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng cây giống cho một số HTX, người dân nghèo ở các huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu…Qua đó, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.