Trồng mắc ca: Đừng lăn tăn diện tích bao nhiêu?

Xung quanh việc phát triển loại cây “tỷ đô” mắc ca, hiện nhiều quan điểm cho rằng quan trọng là bàn cách để trồng và xây dựng thương hiệu cho loại cây này thế nào cho hiệu quả chứ không chỉ cân, đo, đong, đếm xem sẽ trồng thêm bao nhiêu diện tích.
Chủ trương của Bộ NN&PTNT là thận trọng, không phát triển mắc ca ồ ạt. Ảnh: Internet

Lo lắng nguồn giống

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mắc ca, từ “vì sao” đến “như thế nào”” do báo điện tử BizLIVE tổ chức sáng nay (14-4), GS. Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng cho biết: Đến nay, tuy chưa có tổng kết chính thức nhưng ước tính đã có khoảng 1 triệu cây mắc ca được trồng với diện tích khoảng 5.000ha trên toàn quốc.

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc phát triển cây mắc ca. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề không nằm ở con số, diện tích trồng cây mà là làm thế nào để trồng cho hiệu quả.

 

Trong báo cáo mà Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề trồng và phát triển cây mắc ca để tránh rủi ro cho người nông dân mới đây, Bộ NN&PTNT nêu rõ, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm lại cho kết quả khác nhau, cần xem xét kỹ vấn đề về chế biến, thị trường. 
Trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; không phát triển cây mắc ca trên quy mô lớn trong các khu chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 khoảng 10.000 ha bao gồm cả trồng tập trung và trồng xen canh.

 

 

“Một trong những điều quan trọng nhất khi phát triển cây mắc ca là phải quy hoạch vùng trồng phù hợp và quản lý tốt nguồn giống cây. Bởi ngay cả ở Tây Bắc và Tây Nguyên, nhưng miền đất vốn được đánh giá là phù hợp cho cây mắc ca nhưng cũng có những vùng trồng cây không hiệu quả”, ông Ngọc nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Quách Đại Ninh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Bộ NN&PTNT) cho biết: Qua con đường trao đổi nghiên cứu khoa học, Việt Nam đã nhập 10 giống cây mắc ca đã được công nhận ở nước ngoài. Trong đó có 4 giống được Bộ NN&PTNT công nhận phù hợp trồng ở khu vực Tây Nguyên.

Mắc ca được nhân giống vô tính từ các cây đầu dòng, do đó cơ quan quản lý phải quản chặt từ các vườn cây đầu dòng. Trên thực tế, chỉ những vườn giống được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng sản xuất cây giống. Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được lưu thông thị trường.

“Những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận sẽ không được đưa vào sản xuất. Các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt. Với cá nhân, mức phạt thấp nhất là 10 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp xử lý đi kèm là tiêu hủy toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ. Dự kiến, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ việc cấp chứng chỉ nguồn giống này”, ông Ninh nhấn mạnh.

Tránh "vết xe đổ"

Theo ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách kiêm Vụ trưởng Vụ kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nguyên): Qua nhiều lần đi kiểm tra đi thực tế, giao lưu, thực địa…, có thể khẳng định mắc ca là cây có triển vọng phát triển.

Tuy nhiên, để tránh đi vào “vết xe đổ” của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam là “được mùa mất giá” và ngược lại thì mấu chốt phải làm tốt khâu chế biến, bảo quản cũng như tìm hiểu thật kỹ thị trường tiêu thụ.

Nhận định trong tương lai không xa, mắc ca sẽ phát triển để trở thành một ngành hàng mới nhiều triển vọng, không chỉ tại thị trường trong nước mà vươn ra thị trường thế giới, ông Quách Đại Ninh lại cho rằng, quan trọng hơn cả là ngay từ những bước đầu đã phải chú ý xây dựng thương hiệu cho mắc ca Việt Nam chứ không đợi tới lúc sản phẩm tràn ngập thị trường.

Muốn vậy, điều quan trọng vẫn là tạo ra sản phẩm mắc ca đồng đều, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Điều này bắt đầu từ chính khâu quản lý va sử dụng tốt nguồn giống đã đề cập ở trên, sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại.

Xung quanh vấn đề làm thế nào để phát triển mắc ca cho tốt, ông Nguyễn Trí Ngọc bổ sung, yếu tố khá quan trọng khác là cần khuyến khích DN vào cuộc ngay từ đầu. Bởi chỉ có DN mới kết nối được các quy trình từ trồng, chế biến, thu mua để đảm bảo chất lượng cũng như đầu ra cho sản phẩm.
theo baohaiquan