Trồng sen lấy gương cho thu nhập gấp 3 -5 lần cấy lúa

Trồng sen lấy gương cho thu nhập gấp 3 -5 lần cấy lúa
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, đối với những diện tích vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) khuyến khích chuyển sang trồng cây sen lấy gương.

Thực tế mô hình này những năm qua, cho hiệu quả gấp 3 - 5 lần trồng lúa.

hai-son.jpg
Cán bộ nông nghiệp xã Hải Sơn kiểm tra ruộng sen.

Mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Phong ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương có ruộng trồng sen hồng cao sản lấy gương rộng 2,5ha. Đây là mô hình trồng sen cho năng suất cao và cảnh quan đẹp nhất huyện Hải Lăng. Mới thu hoạch đầu vụ nhưng sen được mùa, nên mỗi ngày ông Phong cần đến 5 lao động hái gương sen mới kịp.

Chủ tịch UBND xã Hải Dương - Hoàng Cảnh cho biết, người trồng sen nhiều nhất xã là ông Nguyễn Thế Anh ở thôn Kim Giao với diện tích 5,2ha. Ông Anh là người đi đầu chuyển đổi sang mô hình trồng sen cao sản lấy gương trên vùng đất sình thấp trũng trước đây trồng lúa. Ban đầu ông  mua hơn 1.000 cây giống sen hồng về trồng. Sau 45 ngày sen lên tốt và cho ra hoa rất nhiều.

Theo ông Anh, từ khi ra hoa đến gần 30 ngày sau thì gương sen đã già, có thể thu hoạch. Cứ 3 đến 5 ngày thu hoạch một lần, được gần 100kg gương sen. Đang thời điểm đầu mùa nên ông Anh bán được giá gần 50.000 đồng/kg hạt sen tươi chưa tách bóc vỏ, bỏ tâm sen. Ruộng sen của ông Anh mấy năm nay trung bình cho năng suất hơn 2 tấn hạt tươi/ha.

Ông Anh tâm sự,  trồng sen lấy gương cho lãi gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Được biết, địa phương trồng sen nhiều nhất huyện Hải Lăng là xã Hải Sơn. Bà Đoàn Thị Diệu Thư, Phó chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho biết, vụ này toàn xã trồng gần 20ha sen. Để phát triển tốt mô hình này, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất sen với 24 hộ tham gia, do ông Nguyễn An làm tổ trưởng.

Anh Nguyễn Quảng ở thôn Lương Điền (Hải Sơn) trồng 1,5ha sen với mật độ 40 gốc sen/sào. Để có giống tốt, anh phải đặt hàng ở những cơ sở sản xuất giống sen uy tín ở Thừa Thiên - Huế với giá 15.000 đồng/gốc sen, tổng chi phí đầu tư trồng sen khoảng 500.000 đồng/sào (1 sào Trung Bộ = 500m2).

Theo kinh nghiệm của anh Quảng, thông thường sau khi hết gió mùa Đông Bắc, người dân bắt đầu trồng sen. Sau 1,5 tháng thì sen ra hoa rồi kết gương. Thời gian thu hoạch gương sen kéo dài khoảng 3 tháng, đúng vào mùa hè nên thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ. Dự kiến, ruộng sen của anh Quảng cho năng suất 2,5 tấn/ha. Thời điểm đầu mùa, sen có giá 50.000 đồng/kg hạt tươi chưa tách bóc vỏ, đến giữa mùa giảm xuống còn 30.000 – 35.000 đồng/kg. Trung bình 1,5kg hạt sen sau khi bóc và tách vỏ, xoi tâm sen thì còn lại được 1kg hạt sen. Một ngày công mỗi người bóc tách được 4 đến 5 kg hạt sen, bán với giá 100.000 đồng/kg hạt sen tươi.

Bí quyết trồng, thu hái

Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, cho biết, toàn huyện hiện trồng hơn 70ha sen (toàn tỉnh Quảng Trị hơn 100ha), sen cho năng suất cao và chất lượng tốt.

“Phần lớn diện tích trồng sen là ở vùng đất thấp trũng, trước đây trồng lúa nhưng  năng suất thấp. Ngoài lợi nhuận từ sen, người trồng sen còn có thu nhập một khoản lớn từ cá tự nhiên sinh trưởng trong đầm sen. Nguồn thu từ cá đủ để trang trải chi phí thuê đất, nhân công trồng sen”, ông Hải cho hay.

Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm, để cây sen thu hoạch lâu dài và năng suất cao, sau khoảng 3 tháng sen già sẽ cắt lá và bón phân một đợt. Do trồng sen lấy gương nên phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen sẽ bị nhiều hạt lép. Để sen được ngon, cần hái vào sáng sớm. Cây sen chỉ thích nước trong. Khi gặp nước đục lâu ngày, sen sẽ bị thối ngó, dẫn đến tàn lụi, cây chết. Với hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần trồng lúa trên diện tích ruộng trũng, trồng sen không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi vùng nông thôn.

Thương hiệu “Sen Quảng Trị”

Thời gian qua, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã thu mua hạt sen cho nông dân tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các xã của huyện Hải Lăng. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Công ty, cho biết, đến giữa mùa, sản lượng sen khai thác nhiều, ít người thu mua, nguồn tiêu thụ của thị trường giảm thì công ty sẽ thu mua hết cho người dân với giá 100.000 đồng/kg hạt sen đã tách, bóc vỏ và xoi tâm sen; hạt sen khô chưa bóc, tách công ty mua giá 22.000 đồng/kg.

Theo ông Hiếu, một “điểm nghẽn” trong thị trường tiêu thụ hạt sen mà người trồng sen gặp khó là khi thu hoạch đồng loạt sen tươi về, bóc tách vỏ và xoi tâm sen không kịp nên phải phơi khô nguyên vỏ. Mà khi đã khô thì rất khó để bóc, tách, xoi tâm sen bằng thủ công, nên rất khó tiêu thụ sản phẩm. Chia sẻ khó khăn này, trước mắt, Công ty thu mua toàn bộ sen tươi, sen khô cho người dân để mang đi gia công rồi mới đóng gói bán ra thị trường.

“Công ty đang tìm hiểu công nghệ và đầu tư dây chuyền tách, bóc hạt sen cho người sản xuất được thuận lợi. Khi đó sẽ khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng sen trên những chân ruộng cấy lúa năng suất thấp. Còn hạt sen sau khi thu mua về, Công ty chế biến thành sen khô mang thương hiệu “Sen Quảng Trị”, bán ra  thị trường trong và ngoài nước”, ông Hiếu cho hay.

Theo kinhtenongthon.vn