Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam

“Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, chiều 27/6.
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai Việt Nam. Ảnh: Ngọc Châu
Xuất nhập khẩu với Trung Quốc đang chậm lại
 

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, với thị trường Trung Quốc, trong tháng 5-6 đang có dấu hiệu giảm sâu.
Ông Hòa cho hay, hiện nhiều nông sản Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, lúa gạo, cao su, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm 80-90%.
 
Theo ông Hòa, Trung Quốc là thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng, nên “ăn hàng” khá mạnh. Với điều kiện nông sản Việt Nam chưa được chế biến sâu, hệ thống bảo quản còn kém, thì đây là thị trường thuận lợi. 
Về việc Trung Quốc giảm nhập cao su (nửa đầu năm ngoái chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu, nhưng 6 tháng đầu năm nay 37%), ông Hòa cho rằng, do nhu cầu trong nước tăng lên. “Năm ngoái, nhu cầu mủ cao su khô chế biến công nghiệp 18%, nhưng nay tỷ lệ trên tăng lên, lấp phần giảm xuất sang Trung Quốc” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, năm 2013, Trung Quốc nhập của Việt Nam khoảng 3,2 triệu tấn gạo (trong khi xuất khẩu cả nước là 7,2 triệu tấn), trong đó, nhập chính ngạch là 1,8 triệu tấn, tiểu ngạch 1,4 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập chính ngạch khoảng 1,1 triệu tấn, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái. 
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Chế biến nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, Trung Quốc chiếm khoảng 30% thị phần với thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 
“Đương nhiên, hàng xuất sang Trung Quốc giá trị sẽ không cao như các thị trường khác. Trong tháng 5-6, xuất khẩu chậm lại có thể do tâm lý một số tiểu thương Trung Quốc tạm dừng giao thương, lao động phổ thông hạn chế, việc bốc xếp cũng chậm lại” - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nông sản xuất qua Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, nên tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. “Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu nào đó có khả năng họ sẽ dừng một thời gian để chấn chỉnh các quy định. Việc tạm dừng phía họ, trước đây từng làm nhiều lần. Chúng tôi bàn để hạn chế rủi ro” - ông Tuấn nói. 

Tích cực tìm thị trường mới

Có sự kiện trên biển Đông hay không, chắc chắn Việt Nam cũng phải tái cơ cấu thị trường, không thể phụ thuộc một thị trường được. Cùng với tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chắc chắn phải tăng thị trường trong nước, nhất là hệ thống thương mại bán lẻ. Như quả vải, ngoài xuất sang Trung Quốc, chúng ta đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhất là phía Nam. TPHCM chấp nhận tiêu thụ vải rất tốt với hệ thống 70 chợ lẻ, 7 chợ đầu mối… mỗi ngày bình thường, gần nghìn tấn vải”.
Ông Đoàn Xuân Hòa
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm hôm nay, theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, với những nông sản bị ảnh hưởng thị trường với Trung Quốc, Bộ đã rà soát lại các thị trường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ ngành, làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, vận động các nước để mở cửa thị trường. 
Theo ông Phát, ở trong nước, Bộ đã làm việc với các hiệp hội, DN để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của DN, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cố gắng cao nhất hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN kinh doanh, xuất khẩu. “Chúng tôi cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, người về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất”- ông Phát nói. 
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nếu thị trường Trung Quốc “kẹt”, một số mặt hàng sẽ tiếp tục khó khăn là cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống. Tuy nhiên, thời gian tới, xuất khẩu nông sản sẽ khả quan do tìm kiếm thêm thị trường mới, trong đó có những nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, lâm sản. 
Bà Trần Thị Bích Nga, Phó Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cho biết, hiện Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận để xuất hàng nông sản sang thị trường Argentina. Bộ cũng đang cử các đoàn công tác sang Mỹ để tháo gỡ khó khăn với cá tra do Luật Nông trại của Mỹ, đang cử đoàn sang Nga để đàm phán mở cửa lại thị trường thủy sản. 
Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia nông nghiệp, tới đây, một số thị trường như Philippines, Indonesia... có thể mua thêm gạo cho Việt Nam; Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam tiêu thụ thủy sản; Nhật Bản, Hàn Quốc có thể tăng mua thêm dăm gỗ cho Việt Nam.
 
Theo Phạm Anh
Tiền Phong