Tư nhân hóa quản lý khai thác công trình thủy lợi: Sợ hãi cơ chế thị trường!?

Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ này không chỉ cần có quyết tâm mà phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong khi đó, trả lời PLVN, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ này vẫn khẳng định: “Doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi khó có thể hoạt động theo cơ chế thị trường”?!
Tư nhân hóa quản lý khai thác công trình thủy lợi: Sợ hãi cơ chế thị trường!?
Từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi (TL) muốn được trả lời bằng văn bản, cho nên trong bản hồi đáp của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TL, phần lớn nội dung cũng có màu sắc “giấy tờ”, nhiều ý tứ còn mâu thuẫn như vừa khẳng định hoạt động của doanh nghiệp khai thác công trình TL tuân theo Luật Doanh nghiệp lại vừa nói thẳng rằng doanh nghiệp quản lý khai thác công trình TL thì khó có thể hoạt động theo cơ chế thị trường. Để rộng đường dư luận, Báo PLVN xin đăng tải văn bản trả lời này.   
Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc đổi mới cơ chế, thu hút các thành phần kinh tế vào tham gia quản lý, khai thác lợi thế các công trình thủy lợi có vai trò như thế nào? 
- Hiện chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, TL cũng không nằm ngoài nhiệm vụ đó. Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành TL và Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình TL hiện có. Trong đó cũng đặt ra nhiệm vụ củng cố các tổ chức quản lý khai thác công trình TL: nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống; nâng cao chất lượng hệ thống công trình, chống xuống cấp, bền vững về kỹ thuật và tài chính, từng bước hiện đại hóa.
Trong điều kiện hiện nay, việc mở rộng các thành phần khác tham gia vào công tác quản lý khai thác công trình TL là cần thiết, để đảm bảo công trình có chủ quản lý đích thực và được quan tâm đầu tư, tu bổ sửa chữa kịp thời, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả công trình. 
Với quãng thời gian chưa đầy 1 năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lần lượt ban hành 2 văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định 130 ngày 16/10/2013 và Quyết định số 37 ngày18/6/2014, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi, phải chăng quyết tâm của Chính phủ, của Bộ là muốn đưa hoạt động dịch vụ thủy lợi và các doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý khai thác các công trình thủy lợi phải sớm chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường? 
- Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhằm thay thế các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2005, 2006, 2011.
Công trình TL là công trình thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất dân sinh. Hầu hết các hệ thống công trình TL phục vụ đa mục tiêu, như: tưới, tiêu nước nông nghiệp, tiêu thoát nước dân sinh, ngăn lũ, thoát lũ; cấp nước phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dân sinh. Có công trình TL còn kết hợp phát điện, phát triển du lịch, nuôi trồng thuỷ sản…
Doanh nghiệp quản lý khai thác công trình TL thì khó có thể hoạt động theo cơ chế thị trường, do đặc thù của loại hình sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình TL để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh 
Cho tới năm 2014, vẫn còn trên 90% doanh nghiệp khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước vẫn đang hoạt động theo theo phương thức giao kế hoạch, các thành phần kinh tế khác không có “cửa” tham gia để cạnh tranh cung ứng dịch vụ này, nguyên nhân là gì, thưa ông? 
- Việc quản lý khai thác công trình TL tuân theo Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình TL và các hướng dẫn thi hành. Hoạt động của doanh nghiệp khai thác công trình TL tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật về doanh nghiệp.
Hoạt động của các doanh nghiệp khai thác công trình TL chủ yếu quản lý hệ thống công trình TL đầu mối lớn, hệ thống kênh trục chính, các công trình TL có kỹ thuật phức tạp. Nhiệm vụ của công trình TL chủ yếu phục vụ công ích, như: cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước, các hoạt động khai thác tổng hợp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Đặc thù của công tác quản lý khai thác công trình TL là có sự tham gia từ phía Nhà nước và tập thể những người hưởng lợi.
Trong Nghị định 130 quy định: đối với các công trình thủy lợi  quy mô lớn (liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển) thực hiện theo cơ chế đặt hàng, trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu đặt hàng thì vẫn thực hiện giao kế hoạch, đối với các công trình thủy lợi quy mô nhỏ thực hiện theo phương thức đấu thầu, nhưng trường hợp không đáp ứng yêu cầu đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng. Theo nhiều chuyên gia, việc quy định còn có “lỗ hổng” là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hầu hết các địa phương vẫn thực hiện theo cơ chế cấp phát, xin cho, không mặn mà chuyển hẳn sang cơ chế thị trường?
- Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định cho các ngành phục vụ công ích nói chung, trong đó có quản lý, khai thác hệ thống công trình TL. Tại Điều 5 Nghị định quy định việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các loại hình, trong đó có xét tới đặc điểm của từng sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với thực tế. Sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình TL không phải lúc nào cũng có thể xác định được rõ ràng về sản phẩm, giá dịch vụ, do vậy không phải trường hợp nào cũng có thể chuyển sang hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu được. Mà chính sách là phải bao quát hết các trường hợp. Do vậy, không thể nói là có “lỗ hổng” ở đây được.
 
Trước đó, tìm hiểu của PLVN cho thấy mức cấp bù TL phí hiện đã tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với trước, tức là ngân sách chi tiêu ngày càng tăng, sẽ không còn là 4.000 tỷ nữa mà là 6.000-7.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó trên 90% doanh nghiệp khai thác các công trình TL trên cả nước lại đang hoạt động theo cơ chế xin - cho. 
Cơ chế này một mặt thiếu công cụ giám sát cho cơ quan quản lý chuyên ngành, mặt khác làm hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng quản trị của doanh nghiệp yếu kém, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, số lượng cán bộ, công nhân viên có xu hướng ngày càng tăng.
Phi Hùng (thực hiện)
theo baophapluat