Từng bước loại bỏ hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, thực phẩm thiếu an toàn!

Từng bước loại bỏ hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, thực phẩm thiếu an toàn!
Quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào và an toàn thực phẩm đầu ra là hai yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp cũng như đáp ứng quyền lợi chính đáng về bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã cố gắng tiệm cận sâu từng mảng vấn đề, song, đây đó vẫn còn những góc khuất về hàng hóa kém chất lượng, sản phẩm thiếu an toàn…

 

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, những tồn tại trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản có nhiều nguyên nhân, song, cơ bản nhất vẫn là hệ thống các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của nhà nước về các điều kiện trong sản xuất – kinh doanh. Nhận rõ vấn đề này, từ năm 2011, Bộ NN&PTNT đã đồng loạt tổ chức quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo phương pháp mới như tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về chất lượng hàng hóa bằng việc tổ chức thống kê lập sổ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông – lâm – thủy sản trên toàn quốc, đồng thời tiến hành đánh giá phân loại A/B/C và có chế độ quản lý, giám sát phù hợp đối với từng đối tượng được xếp loại.

Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất đông xuân
Việc kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc kiểm soát vấn đề chất lượng

Quán triệt phương pháp tiếp cận mới của Bộ, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cấp chính quyền các địa phương, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để từng bước đưa công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đi vào khuôn khổ. Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người tiêu dùng và người sản xuất - kinh doanh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trong ngành thành lập các đoàn thống kê, lập danh sách 473 cơ sở, qua đó phân loại 224 cơ sở thì có 18 cơ sở đạt loại A (chiếm 8,03%), 204 cơ sở đạt loại B (chiếm 91,07%) và 2 cơ sở đạt loại C (chiếm 0,89%).

Nhìn chung các các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đã đảm bảo điều kiện kinh doanh, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Riêng 2 cơ sở đạt loại C thì đã có 1 cơ sở (kinh doanh thuốc thú y ở xã Khánh Lộc - Can Lộc) do kinh doanh thua lỗ nên đã chuyển ngành nghề kinh doanh, 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung còn lại ở phường Văn Yên (thành phố Hà Tĩnh), đã được hướng dẫn chấn chỉnh, khắc phục.

Song song với việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở, các đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 99 mẫu các loại vật tư nông nghiệp (38 mẫu giống lúa, 54 mẫu thuốc BVTV, 36 mẫu phân bón, 21 mẫu thức ăn chăn nuôi để phân tích các chỉ tiêu chất lượng), qua đó phát hiện 5 mẫu phân bón, 1 mẫu thức ăn chăn nuôi kém chất lượng bị xử phạt 91 triệu đồng, buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hồi các sản phẩm kém chất lượng về nơi xuất xứ.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về VSATTP năm 2012, ngành nông nghiệp cũng tổ chức 3 đợt kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản và thủy sản thực phẩm tại các vùng sản xuất rau tập trung, chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, nuôi trồng thủy sản tập trung và các cơ sở thu gom, bảo quản, chế biến thuỷ sản; đồng thời lấy 295 mẫu sản phẩm nông sản, thủy sản thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả phân tích phát hiện 3 mẫu rau có dư lượng Nitrat, 2 mẫu rau có dư lượng hoạt chất Cypermethirin (thuốc trừ sâu), 2 mẫu rau có dư lượng chất Thiram (thuốc dùng để diệt nấm độc hại), phát hiện hàm lượng Histamin trong 4 mẫu cá nục... Song, mức phát hiện dư lượng các chất này đều nằm trong giới hạn cho phép.

Liên quan đến chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản, ngành đã kiểm tra, giám sát các vùng nuôi tôm tập trung tại Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh, lấy 2 mẫu nước ương tôm để kiểm tra dư lượng hoá chất cấm Chloramphenylcol, thu 27 mẫu tôm để kiểm soát dư lượng các chất độc hại theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT nhưng kết quả không phát hiện mẫu nước và mẫu tôm nào tồn dư các chất độc hại...

Những nỗ lực thực hiện việc loại bỏ các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đạt các điều kiện quy định, đồng nghĩa với việc loại bỏ các sản phẩm hàng hóa vật tư kém chất lượng, sản phẩm nông - lâm - thủy sản gây mất ATVSTP mà nông nghiệp tỉnh đã triển khai trong năm 2012 đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sản xuất phát triển, đáp ứng quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Dễ nhận thấy nhất là bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông - lâm - thủy sản còn mỏng và yếu (do chưa thành lập Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản); các cấp chính quyền địa phương chưa đủ năng lực để triển khai nhiệm vụ theo phân cấp dẫn đến công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp đưa lại hiệu quả chưa cao, vẫn bỏ sót sản phẩm hàng hóa vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng được đưa vào sản xuất, gây ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

Cùng đó là công tác giám sát an toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình sản xuất nhưng nguồn kinh phí cấp hàng năm là quá chậm, chủ yếu dựa vào ngân sách trung ương, ngân sách địa phương không có nên rất khó đáp ứng với yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm, thường xuyên và liên tục.

Một vấn đề cốt lõi và xuyên suốt hơn cả là sản xuất nông nghiệp tỉnh ta chưa phát triển theo hướng hàng hóa lớn, mức đầu tư thấp; hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc lạc hậu nên năng suất chất lượng sản phẩm không cao.

Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh