Tuyên Quang: Đổi mới sáng tạo, nông nghiệp phát triển

Tuyên Quang: Đổi mới sáng tạo, nông nghiệp phát triển
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...

2.jpg
Từ trồng cam, bưởi, nhiều hộ gia đình ở Tuyên Quang đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Kết quả đáng ghi nhận

Có thể nói, khi thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan chức năng trong tỉnh, sự cố gắng của doanh nghiệp, người nông dân, ngành Nông nghiệp đã vượt khó, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Tuyên Quang đã thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch đất lúa, quy hoạch trồng trọt và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ,  tạo điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng.

Tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chủ lực, phát triển theo các vùng sinh thái; nhóm cây ăn quả được phát triển mạnh, chiếm gần 30% giá trị sản xuất trồng trọt. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cao năng suất, giá trị cây trồng hàng hóa, bình quân 1ha đất trồng trọt đạt gần 90 triệu đồng/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2015.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã chuyển dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, chăn nuôi tập trung phát triển theo lợi thế của từng vùng, địa phương. Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đang triển khai mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ chăn nuôi.

Đặc biệt, Tuyên Quang là điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh đã chủ động điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân 3 loại rừng.

Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC cho 25.366ha. Trồng rừng tập trung  55.588ha, vượt 4,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Diện tích khai thác gỗ rừng trồng mỗi năm đạt trên 7.000ha, tổng sản lượng gỗ ước đạt trên 4.176,4 nghìn mét khối, đáp ứng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh, đạt 101% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội.

Trong phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2020, Tuyên Quang có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 32,6%, dự kiến vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra). Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,2 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Vượt chỉ tiêu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, dự kiến hoàn thành đạt và vượt 04/04 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực của ngành Nông nghiệp; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao. Kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, duy trì năm sau cao hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 4,17%/năm.

1.jpg
Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị tại Tuyên Quang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi

Trồng trọt chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa; các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng, bền vững. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn; sản lượng thịt hơi tăng trưởng 5,4%/năm; năng suất, sản lượng sữa tươi tăng 13,4%/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015.

Thủy sản phát huy lợi thế nuôi cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện; sản lượng thủy sản đạt mức tăng trưởng 5%/năm. Lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững với trên 25.300 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC (cao nhất cả nước); thu nhập trên 1ha rừng sản xuất tăng cao, gấp 1,3 lần so với năm 2015; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 65% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết).

Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện chủ động, quyết tâm, sáng tạo và hiệu quả. Nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đảm bảo bền vững; ước tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% năm 2020.

Đòn bẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa

Về mục tiêu đến năm 2025, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang phải đổi mới sáng tạo để hội nhập, với cả 3 trụ cột nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; cần lấy tiến bộ khoa học làm đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá đi vào chiều sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với vai trò doanh nghiệp phải dẫn đầu dẫn dắt nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có sức cạnh tranh cao, kết nối đầu ra cho sản phẩm; từng bước xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp hữu cơ.

Gắn kết kinh tế hộ với kinh tế tập thể và tư nhân, hình thành các chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với vai trò trụ cột là doanh nghiệp, hợp tác xã; nông sản phải được quản lý, cải cách sản xuất, áp dụng theo tiêu chuẩn trong nước và một số nước trong khu vực; đồng thời từng bước tiếp cận tiêu chuẩn một số nước tiên tiến mới có thể cạnh tranh được trên thương trường quốc tế.

Đến năm 2030, cơ bản chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, tiêu chuẩn, chất lượng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và một số nước trong khu vực;  xây dựng nền nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với một số sản phẩm có thương hiệu phù hợp với chỉ dẫn địa lý Tuyên Quang, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hệ thống phân phối, các công trình phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng, huy động doanh nghiệp, nhân dân chung tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo các tiêu chí vững chắc. 

Theo  Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn