Tỷ phú cây kiểng
- Thứ năm - 16/10/2014 03:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh ra và lớn lên ở xứ ngàn hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), anh Nguyễn Phước Lộc yêu thích cây cảnh từ khi còn nhỏ.
Với niềm say mê và khéo tay, lại có dịp tiếp xúc với các nghệ nhân nên anh sớm lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm...
Ban đầu anh Nguyễn Phước Lộc cùng gia đình mở một cửa hàng kinh doanh hoa, kiểng tại Sa Đéc. Năm 1992 anh trúng tuyển ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ học đến năm thứ ba, anh lại quay lại với nghề hoa, kiểng. Từ đó, anh mở rộng cơ sở, vừa sưu tầm cây vừa hoạt động kinh doanh, đặc biệt là SX chậu cảnh và sáng tác hòn non bộ.
Tuy mới vào nghề, kinh nghiệm còn non trẻ nhưng qua cách chơi, cách uốn sửa cây kiểng, nhiều bạn bè đã đánh giá anh có năng khiếu, có sở trường về nghệ thuật bonsai và chế tác non bộ.
Hầu hết các tác phẩm của anh đều có sức sáng tạo, thể hiện một phong cách và đường nét riêng, độc đáo, ít chịu gò bó vào một khuôn khổ nhất định.
Anh thường nói “nghệ thuật là sáng tạo, không thể dựa mãi vào lối mòn khuôn sáo”. Do đó, lúc nào anh cũng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề và làm tăng giá trị sản phẩm.
Năm 2001 anh Lộc đã mạnh dạn thành lập Cty TNHH Cây xanh Sa Đéc gồm 8 thành viên với vốn điều lệ ban đầu là 220 triệu đồng. Cty hoạt động trên lĩnh vực sinh vật cảnh, chuyên tư vấn và thi công các công trình cây xanh đô thị, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, công viên, khu dân dụng công nghiệp, biệt thự, trụ sở cơ quan, khu đô thị mới…
Đặc biệt, Cty có đủ các mặt hàng từ kiểng cổ, kiểng bonsai, kiểng trang trí, cây xanh đô thị, cây công nghiệp và các loại tiểu cảnh có giá trị thẩm mỹ cao để cung cấp cho khách hàng và các công trình.
Anh Lộc đang sở hữu hàng trăm cây tùng cổ có giá trị chục triệu đồng/cây
Tuy tuổi đời khá trẻ nhưng anh Lộc đã tỏ ra là người có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, đồng thời cũng chịu học hỏi, lắng nghe ý kiến của người đi trước nên được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TX Sa Đéc và Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp.
Anh Lộc không những sở trường về nghệ thuật bonsai mà còn say mê chế tác non bộ và thiết kế hoa viên. Anh đang sưu tầm, chọn lọc khoảng 2.000 cây kiểng thuộc các chủng loại sanh, si, vạn niên tùng, mai vàng… để phát triển và nâng cao giá trị cây kiểng cổ.
Theo tính toán của anh Lộc, một cây kiểng cổ hoàn chỉnh sẽ có giá từ 5 - 20 triệu đồng. Hiện tại, anh có gần 2 ha trồng khoảng 2.000 cây kiểng quý hiếm với 50 chủng loại khác nhau. Vườn kiểng của anh được giới chơi sinh vật cảnh ước tính có tổng giá trị gần 100 tỷ đồng. Hàng ngày khu vườn có trên 30 công nhân lao động tham gia chăm sóc, bảo vệ. Đó là chưa kể các loại cây kiểng khác như bonsai, kiểng bông, kiểng trái, kiểng công trình...
Vườn kiểng có hàng ngàn cây quý, trong đó có cặp me cổ thụ trị giá 4,2 tỷ đồng; cây mai vàng 1,4 tỷ đồng; 20 cây kiểng cổ thụ từ 50 - 100 triệu đồng; 200 tác phẩm bonsai... Anh Lộc đang tiến hành lập dự án “Khu du lịch sinh thái hoa kiểng Sa Đéc” lớn nhất ĐBSCL với diện tích 8 ha với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.
Theo Nongnghiep.vn