Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Cơ chế nào cho các hợp tác xã?

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Cơ chế nào cho các hợp tác xã?
Trong thời gian tới, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy lợi thế đặc thù của địa phương, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác.

Ảnh minh họa

Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp ƯDCNC năm 2017 ước đạt 282,277 tỷ đồng, chiếm 5,7% tỷ trọng nông nghiệp và đạt 57% mục tiêu đến 2020 (8-10% tỷ trọng nội ngành nông nghiệp).

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nào ƯDCNC đáp ứng được tiêu chí quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ NN& PTNT. Các HTX nông nghiệp hiện nay mới bước đầu ứng dụng một phần sản xuất CNC theo Quyết định số 967/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định tạm thời tiêu chí ƯDCNC.

Nguyên nhân có nhiều nhưng có thể thấy, việc tiếp cận các chính sách, tổ chức sản xuất đối với các HTX nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn gặp khó khăn. Yếu tố quan trọng hơn là hạn chế về nguồn nhân lực. Lại nữa, các HTX hầu hết chưa xây dựng được dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cần đầu tư lượng vốn lớn, mà các HTX nông nghiệp không đủ khả năng để tự đầu tư…

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hóa, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần và bộc lộ những yếu kém khi dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp.

Nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển và ƯDCNC trong nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó xác định, ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Bộ NN&PTNT cho biết trong thời gian tới, việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là ƯDCNC, công nghệ tiên tiến trong sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Đó cũng nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Bộ sẽ nghiên cứu các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư, khuyến khích DN nâng cao năng lực ƯDCNC, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV tham gia hình thành mạng lưới liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, công bố áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất và chế biến sản phẩm. Đồng thời, bộ cũng sẽ tạo các chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ phụ trợ cho phát triển nông nghiệp ƯDCNC; thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.

Theo Dương Công Chiến/thoibaonganhang.vn