Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản
Ứng dụng tiến bộ KHKT vào các công đoạn, quy trình sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, giá trị, đồng thời khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn, ưu tiên nguồn lực cho KHCN, đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Chế biến sản phẩm trà hoa vàng tại Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ).


Những năm qua, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Đơn cử như sản phẩm trà hoa vàng, trước đây, hầu hết các hộ dân sau khi thu hái sẽ thực hiện phơi khô hoặc sấy nóng thủ công; phương pháp này có nhiều hạn chế khi sản phẩm không giữ được hương thơm, màu sắc không bắt mắt. Khắc phục những bất cập trên, được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương, một số hộ sản xuất, chế biến đã đầu tư hệ thống máy sấy, máy đóng trà túi lọc để nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Anh Nịnh Văn Trắng, chủ cơ sở sản xuất trà hoa vàng ở xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ), cho biết: "Áp dụng công nghệ sấy lạnh, sấy thăng hoa trong quá trình chế biến giúp cho trà hoa vàng giữ được màu sắc, hương thơm tự nhiên, đẹp mắt hơn. Nhờ đó được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn".

Nhiều sản phẩm khác, như rau an toàn, sữa tươi, trứng gà, trứng vịt, hàu, tôm, ghẹ, sá sùng… được các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông dân quan tâm áp dụng KHCN vào quy trình chế biến, bảo quản, đóng gói. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, quy mô khoảng 5.000m2 tại xã Hồng Phong (TX Đông Triều), với nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn, hiện đại... để bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch. Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả chưa kịp tiêu thụ có thể bảo quản kịp thời, khắc phục tình trạng hư hỏng như trước kia.


Chế biến nước mắm sá sùng tại Công ty An Phú APS (huyện Vân Đồn).


Với thế mạnh là đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang có những giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng. Một trong các giải pháp là ưu tiên đẩy mạnh áp dụng KH&CN nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, nâng cao được tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Ông Nguyễn Lâm Phong, Phó Phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN), cho biết: Thời gian vừa qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản một số nông sản có ưu thế của tỉnh. Tiêu biểu như: Công nghệ sấy bột dong riềng cho các hộ sản xuất miến dong Bình Liêu; chế biến ruốc hàu, ruốc tôm; công nghệ chế biến na dai Đông Triều thành một số sản phẩm bơ, kem, sữa; công nghệ sấy lúa; hạ thủy phần mật ong tại HTX mật ong Thống Nhất... Qua đó, nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu tổ chức các hội thảo, hội nghị giới thiệu công nghệ bảo quản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm tổn thất cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao với việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, tiêu thụ… là mục tiêu mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Qua đó, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Theo Nguyên Ngọc/quangninh.gov.vn