Ứng ngân sách hàng trăm triệu đô la trả cho Trung Quốc là chưa phù hợp

Ứng ngân sách hàng trăm triệu đô la trả cho Trung Quốc là chưa phù hợp
Bộ Công thương vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính cân đối nguồn trả nợ khoản vay Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) của Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư.

 

Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.

15-07-08_dm_ninh_binh
Dự án Đạm Ninh Bình

Cụ thể, trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm. Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD (đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD).

Tại công văn ngày 27/2/2015, đối với khoản vay này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “yêu cầu Vinachem thực hiện trả nợ vốn vay, lãi, phí của khoản vay theo đúng hợp đồng vay đã ký. Trường hợp không tự cân đối để trả nợ, Tập đoàn báo cáo Bộ Tài chính, Công thương xử lý theo quy định”.

Trước đó, cả Vinachem và Bộ Công thương đều đã có những văn bản đánh giá về khoản vay này.

Theo Bộ Công thương, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án muối mỏ kali tại Lào). Vì vậy, Bộ này đã đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ. Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.

Phía Vinachem cũng đã có công văn đánh giá nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp xử lý khó khăn cho dự án Đạm Ninh Bình.

Mặc dù vậy, những đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng “đều không cụ thể, chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được khoanh nợ và được Chính phủ hỗ trợ”.

Vinachem đã báo cáo về số liệu dự kiến trả nợ China Eximbank tương ứng với đề xuất khoanh nợ, theo đó, nợ gốc của khoản vay sẽ kéo dài đến hết năm 2028 mới trả hết. Tuy nhiên, kế hoạch dòng tiền để trả nợ đính kèm của Tập đoàn chỉ tính tới năm 2021. Tập đoàn đề xuất sẽ chỉ trả nợ lãi, phí, không trả nợ gốc trong 5 năm (10 kỳ với số tiền 125 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc còn lại của khoản vay sẽ được chủ đầu tư tiếp tục trả từ 2022 đến hết năm 2028.

Mặt khác, phía China Eximbank, phía Trung Quốc không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam. Nếu theo phương án này, từ năm 2017-2022, Ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem với tổng số tiền là 125 triệu USD.

Quan điểm của Bộ Tài chính, hiện nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế trong khi phải đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin, hay SBIC)... Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ. Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ yêu cầu Vinachem tập trung mọi nguồn lực của Tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017 để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ.

Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD, công suất thiết kế 560.000 tấn Urê/năm được xây dựng tại KCN Khánh Phú, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Nhà thầu EPC là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc. Dự án được khởi công ngày 10/5/2008 và được Nhà thầu EPC bàn giao quyền chỉ huy Nhà máy cho Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày 23/9/2012. Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình giao tạm thời nguyên trạng Nhà máy cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành từ ngày 15 /10/2012 cho đến nay.

Nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012, tuy nhiên còn tồn tại một số nội dung thuộc Hợp đồng EPC chưa được khắc phục hoàn thiện phải loại trừ khỏi quyết toán Hợp đồng EPC đối với các công việc về xây dựng, cơ khí, điện, đo lường, sửa chữa, giá trị bồi thường các thông số không đạt giá trị đảm bảo và công việc không được nghiệm thu với tổng số tiền 2 triệu USD và 114 tỷ đồng. 

Kết quả sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 47.910.220 USD tương đương với 1.025 tỷ đồng. Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 theo báo cáo tài chính ghi nhận là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch là 694 tỷ đồng. Cũng theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi nhưng thực tế năm 2015 (năm thứ 4) lỗ 364 tỷ đồng.

Theo: NNVN