Ưu tiên giải quyết nợ xấu ngành thủy sản
- Thứ năm - 07/03/2013 21:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về những khuyến nghị chính sách cho năm 2013, theo Ủy ban Kinh tế, giải quyết nợ xấu hiện đang là một trong những điểm nóng chính sách lớn của năm 2013. Bên cạnh những giải pháp thông dụng, cần phải có các giải pháp đặc thù đối với từng ngành hay nhóm doanh nghiệp hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.
Nợ xấu trong thủy sản đang chiếm tỷ trọng khá lớn của ngành nông nghiệp (ảnh minh họa). |
“Ưu tiên hàng đầu trong giải quyết nợ xấu, Ủy ban Kinh tế cho rằng phải hướng đến ngành thủy sản, bởi vì đây là ngành của Việt Nam được thừa nhận rộng rãi là có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh quốc tế. Ngành này cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển nông thôn, và chi phí để giải quyết nợ xấu không quá lớn”- Ủy ban này nêu rõ. Theo Ủy ban Kinh tế, có thể chỉ cần có cơ chế khuyến khích phù hợp là có thể giúp cho ngành chế biến thuỷ sản thực hiện hiệu quả quá trình sàng lọc và tái cơ cấu như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; tăng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn; tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để giảm chi phí vốn; mua lại nợ cho doanh nghiệp kết hợp với việc giám sát dòng tiền, bảo đảm sử dụng đồng tiền đúng mục đích, không đầu tư ngoài ngành.
Đối với nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, cần có những thông điệp rõ ràng hơn. Đối với lĩnh vực năng lượng, các giải pháp để giải quyết nợ xấu đối với ngành điện cần áp dụng bao gồm tái cơ cấu mạnh mẽ đối với EVN, xóa bỏ đầu tư ngoài ngành...
Một số khuyến nghị chính sách khác là tiếp tục xem xét hoãn và tiến đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng, nhất là với các mặt hàng có mức độ tồn kho lớn và có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng khuyến cáo giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế VAT phù hợp cho từng loại, để tránh “rò rỉ” ra hàng ngoại nhập, hay “kích cầu hộ nước ngoài”.
Tăng giá điện mặc dù chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong chi phí của hoạt động sản xuất và trong chi phí sinh hoạt của người dân, nhưng tác động nhiều vòng của việc này đến lạm phát. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế nhận định “chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 khoảng 8% là một mục tiêu khá tham vọng”. |
TS. Trần Du Lịch - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội dự báo năm 2013 nền kinh tế đang đối diện với 4 thách thức: Nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm; Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; Khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp; Những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện.
TS Võ Trí Thành thì cho rằng cần phải chờ 1 - 2 tháng nữa thị trường mới có thể ấm lại khi các giải pháp như: Xử lý nợ xấu của ngân hàng đã xong, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đồng bộ… thì các dòng tín dụng mới có cơ hội quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, dư địa chính sách đang khá hạn hẹp, vì vậy khó có thể đòi hỏi nền kinh tế ấm lại nhanh chóng.
Theo danviet.vn