Ưu tiên số một là giúp người thu nhập trung bình có nhà
- Thứ ba - 29/01/2013 21:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Không thanh tra lại về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng. * Chính phủ chưa có chỉ đạo nào về việc tổng rà soát việc tuyển dụng công chức trên toàn quốc.
Ngày 29.1, tại cuộc họp thường kỳ tháng 1.2013 của Chính phủ, báo chí đã nêu câu hỏi về những vấn đề đang được dư luận quan tâm như giải pháp giải cứu thị trường bất động sản, kết luận thanh tra ở Đà Nẵng, thông tin chạy công chức tại Hà Nội...
Cuộc họp do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
Trên 7.000 doanh nghiệp giải thể
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết có 7.278 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong tháng 1.2013; tăng gần 7% so với tháng trước, tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm ngoái. Mặt khác, nếu so sánh với số doanh nghiệp thành lập mới thì số lượng doanh nghiệp giải thể cao hơn. Cũng trong tháng 1, có 3.837 doanh nghiệp được thành lập, tuy cao hơn 10% so với tháng trước nhưng tổng số vốn đăng ký lại giảm đi. Tình hình khó khăn của doanh nghiệp không chỉ dừng ở những con số nêu trên.
Chính phủ nhận định, sản xuất công nghiệp vẫn chậm phục hồi, tồn kho ở một số mặt hàng vẫn ở mức cao. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất thức ăn gia súc (27%), sản xuất ximăng tăng 35,7%... Tình hình sản xuất công nghiệp so với tháng 12.2012 đã giảm 3,2% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 21,1%.
Đầu vào, ra vốn tín dụng cho doanh nghiệp có tăng nhưng mức tăng thấp. Một phần thực trạng này được phản ánh qua tổng phương tiện thanh toán đến 21.1.2013 ước chỉ tăng 0,17% so với tháng trước.
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 1,06% so với tháng 12.2012 và ước tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước (không tính đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư). Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục ổn định do thanh khoản của hệ thống tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp. Lãi suất cho vay thông thường, đối với những lĩnh vực không ưu tiên trung bình ở mức 15 - 17%.
Nhận định tình hình năm 2013 còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ khẳng định nhiều giải pháp đã đề ra phải làm quyết liệt hơn, nhanh hơn. Giải pháp ngắn hạn phải đi liền với dài hạn. Chính phủ cũng yêu cầu chỉ đạo điều hành linh hoạt hơn, chấp hành kỷ cương nghiêm hơn... Trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong tháng 1.2013, Bộ trưởng cho đây là tín hiệu cảnh báo phải hết sức thận trọng để kiềm chế lạm phát chặt chẽ hơn nữa. “Điều hành phải luôn linh hoạt. Nếu siết tiền tệ, tín dụng chặt quá thì sản xuất sẽ co lại song nếu chạy theo tăng trưởng, mở rộng tín dụng quá thì lạm phát sẽ cao trở lại đem theo rất nhiều hệ lụy” - Bộ trưởng nói.
Chính phủ khẳng định các giải pháp đối với thị trường bất động sản đều hướng đến CNVC, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình để họ có cơ hội tiếp cận nhà ở. Ảnh: Giang Huy |
Chính phủ không cứu người giàu
Trả lời câu hỏi về tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2012, song trong báo cáo mới đây của Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu thì 80% các doanh nghiệp này vẫn có lãi. Vậy việc Chính phủ có chủ trương làm cho thị trường BĐS ấm lên là giúp cho nhà giàu? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trước khi ban hành các Nghị quyết 01,02 của Chính phủ, trong đó có các giải pháp giải cứu thị trường BĐS, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ ngành đánh giá lại thị trường một cách bao quát và đầy đủ. “Chính phủ không cứu người giàu” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Trả lời câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ luôn tập trung điều hành cho nền kinh tế phát triển, ưu tiên cho những đối tượng khó khăn. Giải pháp ưu tiên số một là giúp người có thu nhập trung bình, những người trước nay gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nhà ở, không đủ tiền mua nhà nay sẽ có cơ hội rộng mở hơn. Ông khẳng định: “Với các giải pháp của Chính phủ, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi nhiều hơn người giàu”.
Về câu hỏi liên quan tới phản ứng của TP.Đà Nẵng trên báo chí về kết luận thanh tra (thất thoát đất đai hơn 3.400 tỉ đồng tại Đà Nẵng) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, công tác thanh tra là một việc làm thường xuyên của Chính phủ. Hằng năm, TTCP có kế hoạch thanh tra, có thanh tra đột xuất. Việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là một cuộc thanh tra bình thường như nhiều cuộc khác. Bộ trưởng nhấn mạnh, thanh tra ở Đà Nẵng là theo đúng quy định của pháp luật. Việc công bố quyết định thanh tra cũng đúng với các quy định của pháp luật.
Về việc Đà Nẵng phản ứng qua báo chí, Chính phủ hiện nay mới tiếp nhận thông tin này qua báo chí. Bộ trưởng cho biết thêm, khi TTCP thực hiện việc thanh tra thì theo quy định sẽ không có chuyện thanh tra lại. Ông nói: “Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận về kết luận thanh tra tại Đà Nẵng; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan này thấy có vấn đề cần xin ý kiến Thủ tướng thì phải báo cáo. Tới nay, Chính phủ chưa nhận được văn bản nào của Đà Nẵng cũng như các bộ ngành khác về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ...”.
Sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng “chạy” công chức
Trả lời câu hỏi liên quan đến chuyện chạy công chức như ở Hà Nội, Chính phủ có chỉ đạo các bộ ngành địa phương kiểm tra chuyện này? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ chưa có chỉ đạo nào về việc tổng rà soát việc tuyển dụng công chức trên toàn quốc. Tuy nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ 2 vấn đề. Đó là thái độ, tinh thần thực thi chức trách, công vụ phải rõ ràng và tinh giản bộ máy hành chính nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu suất công việc, không để tạo ra kẽ hở trong quản lý, điều hành. “Tinh thần chung của Chính phủ là nếu có hiện tượng chạy chọt thì sẽ xử lý nghiêm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về thông tin có tới “30% số công chức có cũng được, không có cũng được”, Bộ trưởng chia sẻ, trong bộ máy hành chính có một bộ phận cán bộ, công chức có mức độ đóng góp hạn chế. Cơ quan nào cũng có, ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có.
Bộ trưởng nói: “Tôi cũng hỏi chuyện những người đó và thấy họ khát khao được làm việc, muốn được cống hiến chứ không phải chỉ muốn ngồi đó ăn lương. Cải cách hành chính là cả lộ trình dài. Tinh thần là phải làm kiên trì, quyết liệt trong nhiều năm mới có được nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Khi đã có ràng buộc trách nhiệm, có thước đo chính xác hiệu suất làm việc của từng khâu thì những hiện tượng tiêu cực hay số lượng cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả cũng sẽ dần giảm đi...”.
theo laodong.com.vn