Văn hoá Hà Tĩnh - dòng mạch ngọt ngào
- Chủ nhật - 02/02/2020 08:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của ca trù ở Hà Tĩnh đã góp phần to lớn vào công cuộc giữ di sản này của đất nước.
Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII - năm 1998) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã xác định phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, những đặc trưng tốt trong tính cách con người Hà Tĩnh và chiến lược phát triển văn hoá của Đảng là cơ hội, là động lực để phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Những năm qua, Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực để phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đồng thời kiến tạo nên những giá trị văn hoá mới.
Đình làng Trường Lưu - Nơi lưu giữ nhiều giá trị vă hoá tinh thần của người dân Can Lộc
Ông Thái Văn Sinh – Trưởng phòng Quản lý văn hoá, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh hiện đang hoàn thiện đề án về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương của Đảng trong xây dựng văn hoá, con người trong thời kỳ mới. Đề án đề cập đến mục tiêu xây dựng con người mới chung tay xây dựng quê hương, đất nước, cởi mở, tiếp nhận, hội nhập”.
Thực tế, thời gian qua, bao thế hệ người Hà Tĩnh đã kế thừa truyền thống của cha ông, nhất là truyền thống yêu nước, hiếu học, không ngừng học tập, xây dựng Tổ quốc. Truyền thống của các dòng họ, các vùng quê vẫn được phát huy mạnh mẽ.
Ngày càng có nhiều người con Hà Tĩnh ghi danh trên bảng vàng quốc tế và được trao những trọng trách lớn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là ở các lĩnh vực thiên về khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, tin học, khoa học kỹ thuật… vốn dĩ chẳng phải là ưu thế của miền đất nổi tiếng văn chương, chữ nghĩa với những tên tuổi sáng chói như Hà Tĩnh.
Nỗ lực trùng tu, tôn tạo các di tích của các địa phương đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá của cha ông, qua đó giáo dục giới trẻ về truyền thống dân tộc.
Người Hà Tĩnh ngày nay vừa có tố chất thông minh lại vừa uyển chuyển, khéo léo. Điều đó thể hiện rất rõ trong nhu cầu muốn hội nhập, phát triển. Đã có rất nhiều những doanh nhân đã tự mày mò, tìm đường hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển thương hiệu, phát triển doanh nghiệp. Tình yêu quê hương đất nước cũng đã hối thúc rất nhiều Việt Kiều trở về cống hiến xây dựng quê hương.
Những đặc trưng mới của người Hà Tĩnh hiện đại cũng thể hiện trong những ứng xử văn minh với cộng đồng, với xã hội. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm thay đổi căn bản diện mạo các thôn, xóm, làng, bản, khối phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 89,98% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 90,96%, thôn, tổ dân phố văn hóa.
Từ năm 2010, phong trào này được gắn với các phong trào khác như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tạo nên bước chuyển mới làm cho bộ mặt đô thị, nông thôn Hà Tĩnh thay đổi. Phát huy tinh thần hiến đất, hiến của trong chiến tranh, có rất nhiều tấm gương là Đảng viên, là nông dân tiên phong đi đầu hiến đất, hiến nhà, chấp nhận từ bỏ tư duy cũ kỹ trong xây dựng kinh tế để đầu tư xây dựng vườn mẫu cho thu nhập ổn định, chung tay xây dựng khu dân cư kiểu mẫu văn minh, hiện đại.
Người Hà Tĩnh ngày nay vừa có tố chất thông minh lại vừa uyển chuyển, khéo léo, vì thế, các chương trình, phong trào chung khi triển khai đều dễ dàng nhận được sự đồng thuận, nhất là xây dựng nông thôn mới đã thu được những kết quả ngoài mong đợi.
Bởi thế, phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh mới thu được những thành công ngoài mong đợi. Chính bàn tay khối óc của con người, chính sự chuyển mình thay đổi tư duy của con người đã làm nên những Nghi Xuân, Can Lộc… trở thành huyện nông thôn mới, đã biến nhiều miền quê Hà Tĩnh trở thành những miền quê đáng sống.
Đặc biệt, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, dũng cảm cứu người gặp nạn... Những nghĩa cử cao đẹp này thực sự đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
Với bề dày truyền thống văn hoá, Hà Tĩnh có cơ sở để xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, truyền thống ấy có được đánh thức hay không lại cần đến những con người có trí tuệ, tư duy cởi mở, tiên tiến. Trên khắp các miền quê Hà Tĩnh, có rất nhiều người nông dân chân lấm đã dũng cảm bỏ qua những định kiến để trở thành những nghệ nhân dân gian.
Nhiều nông dân đã không ngần ngại bước lên sân khấu và trở thành nghệ nhân dân gian - là chủ thể nắm giữ, phát huy giá trị di sản văn hoá của cha ông.
Họ là những nghệ nhân ca trù, trò kiều, sắc bùa, dân ca ví, giặm. Không chỉ đam mê mà còn rất tâm huyết, rất trách nhiệm với việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hoá của cha ông trong đời sống hiện đại. Chính những người cơm nắm cơm đùm đi học hát, chính những người tự bỏ tiền túi, tự đi vận động cháu con học hát những làn điệu cổ ấy đã đưa văn hoá truyền thống Hà Tĩnh hoà mình vào văn hoá nhân loại.
Phải có những nghệ nhân miệt mài lưu giữ, khôi phục, truyền dạy ấy thì ca trù, dân ca ví giặm mới được UNESCO công nhận văn hoá phi vật thể của nhân loại. Phải có những người cần mẫn lưu giữ từng pho sách cổ và những người đi tìm các chuyên gia nước ngoài để xây dựng hồ sơ thì Mộc bản Trường Lưu và Hoàng hoa sứ trình đồ mới được UNESCO xếp vào danh sách di sản tư liệu ký ức của thế giới. Đó cũng chính là điều kiện vững chắc để Hà Tĩnh xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang ngày càng thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người Hà Tĩnh. Đó chính là động lực mới để người Hà Tĩnh xây dựng nên những giá trị mới trong thời đại mới.
Theo Phong Linh/baohatinh.vn