Vất vả công nhân thời… suy thoái kinh tế

Vất vả công nhân thời… suy thoái kinh tế
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế làm tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống của nhiều người, đặc biệt là công nhân (CN).

Dể có bữa ăn phù hợp với túi tiền, nhiều công nhân phải đắn đo trước khi đi chợ.

Việc ít, lương giảm

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có trên 100 DN giải thể và nhiều DN hoạt động cầm chừng, khiến CN mất việc hàng loạt. Một số DN ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài cho biết, số lượng CN tại đây giảm khoảng 50%, nhiều nhất là ở ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Ông Cao Đình Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Quang Trung tâm sự: “Tình hình sản xuất kinh doanh không như mong muốn, hàng làm ra không bán được, tồn kho ngày càng tăng, nợ nần chồng chất khiến nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm nhân sự, cắt giảm tiền lương. Ngay như công ty chúng tôi, mặc dù không gặp nhiều khó khăn nhưng nhân sự cũng phải cắt giảm, thu nhập vì thế mà eo hẹp hơn”.

Chờ đến giờ nghỉ trưa, tôi gặp Nguyễn Văn Thạch, CN Nhà máy gạch ceramic ở KCN Phú Tài. Thạch dẫn tôi về khu nhà mình đang trọ và cho biết, căn phòng này trước đây có 3 CN cùng ở với anh, nhưng mấy tháng gần đây do không có việc làm, bị công ty nợ lương nên họ phải về quê bám víu vào gia đình, giờ chỉ còn mình anh cố gắng bám trụ.

Trong căn phòng trọ chật chội, bên cạnh đứa con gần 3 tuổi đang vô tư cười đùa, anh Trần Văn Hải (quê Quảng Bình), CN Xí nghiệp gỗ PISICO chỉ vào mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, đậu phụ và một quả trứng vịt, cười buồn: “Hơn 2 tháng nay, vợ chồng em ăn uống “gọn gàng” lắm. Thỉnh thoảng mới dám mua thêm ít cá, thịt, nhưng chủ yếu là ưu tiên cháu nhỏ. Mấy năm trước công việc nhiều, vợ chồng làm tăng ca nên tổng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn 4 triệu đồng/tháng, trong khi có đủ thứ phải chi tiêu…”.

Vất vả mưu sinh

Thời buổi kinh tế suy thoái, giá cả leo thang, đồng lương “mồ hôi nước mắt” của CN không khác gì giọt mưa đầu mùa rơi vào cánh đồng khô hạn. Để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn, ngoài việc thắt lưng buộc bụng, nhiều CN tìm cách làm thêm để tăng thu nhập.

Tan ca chiều, vừa rời khỏi công ty là Nguyễn Thị Phương Loan, quê Quảng Trị, CN Công ty Giày Bình Định lại vội vàng đến giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình ở TP.Quy Nhơn. Mỗi tháng, Loan có thêm 1,5 triệu đồng tiền làm thêm ngoài giờ, cộng với tiền lương hơn 3,5 triệu đồng, cô có 2 triệu đồng gửi về nhà phụ bố mẹ nuôi em ăn học, Loan chỉ còn hơn 1,5 triệu đồng/tháng để trang trải cho cuộc sống của mình.

Cũng như Loan, sau giờ làm tại công ty, Nguyễn Tấn Bình, quê Quảng Ngãi, CN Công ty Cơ khí Quang Trung phải làm thêm nhiều việc bên ngoài như sửa nhà, sửa điện, nước… Khách hàng của Bình là hàng xóm quanh khu anh trọ. Mỗi tháng, anh kiếm thêm được khoảng 1 triệu đồng.

Với những CN thất nghiệp đang chờ việc, nhiều người chọn cho mình cách mưu sinh tạm thời bằng những gánh rau, sọt hoa quả, bán hàng rong… Nguyễn Thị Tân, CN một công ty gỗ ở KCN Long Mỹ trong khi chờ có việc làm trở lại đã chọn cách bán chuối chiên gần một trường học. Theo Tân, công việc này vốn ít, lãi cũng tàm tạm và có thể nghỉ bất cứ khi nào nếu công ty gọi trở lại làm việc.

Một số CN thất nghiệp cho biết, họ bám trụ với mong muốn được quay lại công ty làm việc khi khó khăn qua đi, hoặc có thể tìm được công việc ổn định hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít CN chọn cách về quê xin việc hoặc làm ruộng…, trong khi tình hình kinh tế chưa thấy có dấu hiệu phục hồi.

Minh Hạnh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn