Vay vốn Agribank, nông dân Vũ Quang thu lãi
- Thứ năm - 02/08/2018 19:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1.000 gốc cam các loại, 5 sào chè, 5 con bò và hàng trăm con gà với nguồn thu trên 180 triệu đồng/năm là tài sản quý của gia đình ông Phan Văn Châu (xã Đức Hương - Vũ Quang).
Ông Châu nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi chật vật lắm. Nhờ tiếp cận vay vốn ngân hàng nông nghiệp, tôi đầu tư cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế. Mỗi đợt vay khoảng 50 đến 100 triệu đồng và hiện gia đình đã trả hết nợ. ”
Năm 2012, gia đình bà Nguyễn Thị Thọ (xóm Bình Phong – xã Đức Lĩnh) vay 270 triệu đồng từ Chi nhánh Agribank Vũ Quang để xây dựng chuồng trại, phục vụ chăn nuôi lợn liên kết và trồng cam, chanh thâm canh.
"Ngày trước, do không có vốn chúng tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ với vài gốc cam, dăm con lợn rồi chục con gà. Nay có ngân hàng tiếp sức, nhà tôi mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Hiện gia đình có trên 300 gốc cam, 200 gốc chanh, 400 con gà và 50 con lợn, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm.” - bà Thọ chia sẻ.
Không chỉ ông Châu, bà Thọ, trong những năm qua, nhiều nông dân huyện Vũ Quang đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng NN&PTNT. Đối với họ, đây là "đòn bẩy" để đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ông Lương Hữu Thuận – Trưởng phòng Kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang cho 2.800 hộ thuộc 72 tổ hợp tác trên địa bàn vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ 320 tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, nông dân trả nợ đúng kỳ hạn. ”
Bà Nguyễn Thị Lương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang phấn khởi: “Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội và ngân hàng nên công tác thẩm định hồ sơ, thủ tục được triển khai nhanh chóng. Theo đó, 5 năm qua, trên toàn huyện đã có khoảng 1.000 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.”
“Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện để nhiều người dân được tiếp cận vốn. Đồng thời, Hội sẽ tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận kịp thời với khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất; khâu nối với các doanh nghiệp giúp người dân ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững cho các mô hình” – bà Lương nhấn mạnh.