Vì đâu nông dân lại "chết" do giá lúa giảm sâu?
- Thứ tư - 01/04/2015 21:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trúng mùa lúa vụ đông xuân nhưng bán giá rất thấp - Ảnh: V.TR. |
Giá lúa không những không tăng mà còn giảm mạnh trong thời gian doanh nghiệp đang mua tạm trữ, giảm khoảng 300 đồng/kg so với ngày đầu mua tạm trữ (01/3), là một hiện tượng khá bất thường.
Lúng túng trong mua tạm trữ nên giá lúa giảm sâu.
Một số doanh nghiệp cho rằng giá lúa gạo giảm mạnh gần đây là do việc phân chia chỉ tiêu tạm trữ của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) chưa hợp lý, trong đó nhiều doanh nghiệp được phân bổ với khối lượng lớn dù năng lực không đáp ứng.
Ông Lâm Anh Tuấn (Công ty lương thực Thịnh Phát) cho rằng trong các điều kiện để giao chỉ tiêu mua tạm trữ do VFA đưa ra (có đăng ký mua tạm trữ, các năm trước mua tạm trữ tốt, có giấy phép xuất khẩu và có cánh đồng liên kết với nông dân) lại thiếu một tiêu chí rất quan trọng, đó là năng lực vốn.
“Trong cuộc họp ban chấp hành VFA, tôi được thông tin các doanh nghiệp đã trả chỉ tiêu và bị cắt bớt chỉ tiêu do mua quá chậm với số lượng hơn 22.000 tấn” - ông Tuấn nói. Lãnh đạo một doanh nghiệp cũng thừa nhận vừa trả lại chỉ tiêu mua tạm trữ 12.000 tấn do không có khả năng xoay xở vốn.
Theo ông Tuấn, trong số 128 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu lần này, nhiều doanh nghiệp không có vốn, cũng không còn hạn mức tín dụng nên ngân hàng không thể cho vay thêm, doanh nghiệp phải trả lại chỉ tiêu. Trong khi nhiều doanh nghiệp có tài chính tốt, được ngân hàng xác nhận còn hạn mức tín dụng cao lại bị VFA gạt ra.
Chưa hết, một số doanh nghiệp được bổ sung sản lượng mua tạm trữ từ số lượng mà một số doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu cũng không được thông báo cho phía ngân hàng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị từ chối giải ngân vốn.
Ông Phạm Duyên Hải, giám đốc VietinBank Tiền Giang, cho biết đã rất bất ngờ khi mới đây một số doanh nghiệp được giao chỉ tiêu bổ sung tới đề nghị được giải ngân tiếp, trong khi các doanh nghiệp tại Tiền Giang nằm trong danh sách 128 doanh nghiệp (được giao chỉ tiêu ban đầu) đã được ngân hàng này giải ngân và mua xong chỉ tiêu được giao.
“Chúng tôi đã không được VFA hay Ngân hàng Nhà nước thông báo doanh nghiệp nào được giao chỉ tiêu bổ sung để xử lý việc giải ngân tiếp và xác nhận có mua tạm trữ để được hỗ trợ 100% lãi suất trong bốn tháng như quy định” - ông Hải nói.
Một số doanh nghiệp cho rằng ngoài những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, sự lúng túng và bất cập trong phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ của VFA, doanh nghiệp không có năng lực vốn cũng được giao chỉ tiêu, là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động mua lúa gạo tạm trữ không đạt tiến độ như kỳ vọng, khiến giá lúa tiếp tục giảm sâu.