Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Việc ra đời Tổng hội NN-PTNT Việt Nam được coi là bước tiến quan trọng trong việc tập hợp các hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp trong một tổ chức quy củ, hoạt động vì một mục tiêu chung, đó là hướng đến một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

 

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban vận động thành lập Tổng hội NN-PTNT cho hay, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại các văn bản số 2577 và 3748 về việc thành lập Tổng hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chính thức ký quyết định số 101/QĐ-BNV ngày 1/2/2013 cho phép thành lập Tổng hội NN-PTNT Việt Nam.


Tổng hội NN-PTNT hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp

Cũng theo ông Hùng, hoạt động của Tổng hội bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn với phạm vi trên cả nước.

 “Với lĩnh vực hoạt động như trên, nhiệm vụ chính của Tổng hội là điều hòa và phối hợp hoạt động của các hội thành viên trong việc tập hợp, động viên và giúp đỡ cán bộ chuyên ngành về nông lâm nghiệp, thủy sản…; mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước về các lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác của Tổng hội là đại diện cho các hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Tổng hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động, đồng thời phổ biến, tập huấn kiến thức cho hội viên, cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên, các DN liên kết để tạo hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tổng hội NN-PTNT có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản tại ngân hàng, kho bạc theo quy định. Theo kế hoạch, Đại hội Tổng hội NN-PTNT lần thứ nhất sẽ được tổ chức ngày 24/4/2013 tại Hà Nội. Đại hội sẽ bầu Chủ tịch, các phó chủ tịch, TTK và một số chức danh khác.

Phản biện xã hội cũng nằm trong lĩnh vực hoạt động của Tổng hội NN-PTNT. Theo đó, Tổng hội sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề trong từng lĩnh vực, lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành để tổng hợp có chất lượng ý kiến phản biện đối với các chiến lược, kế hoạch dài hạn, chính sách phát triển ngành và các đề tài khoa học, các chương trình, dự án của ngành và xã hội.

Đồng thời, Tổng hội sẽ tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, có ý kiến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các ngành nghề, tổ chức, cá nhân trong các hoạt động gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó trưởng Ban vận động thành lập Tổng hội, Tổng hội NN-PTNT Việt Nam đã có 10 hội và hiệp hội; 11 cơ quan Nhà nước; 104 cá nhân, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học đăng ký tư cách thành viên và 23 doanh nghiệp đăng ký tư cách thành viên liên kết.

Trong phương hướng phát triển năm 2013, Tổng hội tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân thuộc ngành NN-PTNT đăng ký tham gia làm thành viên, đặc biệt là đại diện các hội, hiệp hội đang hoạt động trong lĩnh vực của ngành. “Phấn đấu đến hết năm 2015, Tổng hội sẽ kết nạp thêm hàng trăm hội viên mới, trong đó có ít nhất hàng chục tổ chức hội, hiệp hội cơ quan của ngành tham gia Tổng hội”, ông Ngọc cho hay.

Theo nongnghiep.vn