Vi phạm về giống cây nông nghiệp, phân bón vẫn nghiêm trọng

Vi phạm về giống cây nông nghiệp, phân bón vẫn nghiêm trọng
Theo Cục Trồng trọt, kết quả kiểm tra việc thực hiện văn bản pháp luật về giống cây trồng nông nghiệp và văn bản pháp luật về phân bón trong những năm qua, cho thấy tình hình vi phạm trong 2 lĩnh vực nói trên vẫn còn khá nhiều.

 

 

Phân bón giả bị bắt quả tang ở TP HCM

Trong lĩnh vực giống cây trồng nông nghiệp, 5 năm qua, Cục Trồng trọt đã thành lập 15 đoàn kiểm tra tại 63 tỉnh, TP và 665 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên phạm vi cả nước. Kết quả cho thấy có 162 tổ chức, cá nhân (chiếm 24,4%) vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, 145 hộ đại lý, kinh doanh giống cây trồng không có giấy phép đăng ký kinh doanh mặt hàng giống cây trồng hoặc không có kho bảo quản hạt giống riêng biệt với các mặt hàng khác cùng kinh doanh như phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV…

 

10 Trung tâm giống cây trồng cấp tỉnh, 4 Cty sản xuất giống cây trồng, 3 Viện sản xuất kinh doanh giống cây trồng mà không có đăng ký kinh doanh giống cây trồng, không có phòng kiểm nghiệm chất lượng, không có hợp đồng thuê phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận được Nhà nước chỉ định hoặc công nhận để kiểm soát, chứng nhận chất lượng giống cây trồng trong sản xuất kinh doanh.

 

232 (34,9%) cơ sở chưa thực hiện ghi nhãn hàng hóa đối với giống cây trồng đủ thông tin, đúng quy định. 245 (36,8%) cơ sở chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý tiêu chuẩn chất lượng giống cây trồng trong sản xuất, kinh doanh. Trong số 5.320 mẫu giống, có 11,5% không đúng tiêu chuẩn công bố, chủ yếu là hạt cỏ dại quá mức cho phép, độ ẩm không đúng quy định, tỷ lệ nảy mầm không cao…

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Trồng trọt đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng giống trên thị trường. Kết quả, tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, trong 133 mẫu lấy từ 35 đơn vị sản xuất kinh doanh giống lúa, có 18 mẫu (13,5%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng hạt giống. Tại Gia Lai và Đăk Lăk, lấy 29 mẫu của 8 công ty, đại lý thì 8 mẫu (27,5%) không đạt quy chuẩn Việt Nam.

 

Trong lĩnh vực phân bón, tình hình vi phạm vẫn đang rất nghiêm trọng. Năm 2010, Cục Trồng trọt kiểm tra 23 đơn vị kinh doanh phân bón lá cho rau ở Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Lâm Đồng. Trong 55 mẫu phân bón có 64,3% số mẫu không đạt các yếu tố đa lượng (N, P, K), trong đó 9,5% số mẫu không đạt cả 3 chỉ tiêu; tỷ lệ mẫu không đạt so với công bố theo từng chỉ tiêu là đạm 41,7%, lân và kali lần lượt là 34,4% và 33,3%. Có trên 30% số mẫu vi phạm yếu tố trung lượng, trong đó Ca có 41,7% không đạt, Mg có 31,8%. Về vi lượng, chỉ tiêu thiếu nhiều nhất là Cu (54,4%), Mn (40%), B (27,8%), Fe (23,1%)…

 

Năm 2011, Cục Trồng trọt kiểm tra 18 đơn vị sản xuất và 7 đơn vị kinh doanh tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế, cho thấy có tới 10/18 đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, không đạt về điều kiện máy móc, thiết bị để sản xuất phân bón và hệ thống xử lý nước thải. 100 mẫu phân bón từ những đơn vị này đã được lấy để kiểm tra, thì 46,7% không đạt tiêu chuẩn công bố về hàm lượng hữu cơ, 46,6% không đạt hàm lượng N tổng số, 33,3% không đạt hàm lượng lân, 42,6% không đạt hàm lượng kali. Đặc biệt có tới 41,8% số mẫu không đạt cả 3 yếu tố NPK.

 

Cũng trong năm 2011, Cục Trồng trọt đã lấy 60 mẫu và kiểm tra 9 đơn vị sản xuất và 6 đơn vị kinh doanh ở 3 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Lăk và Gia Lai. Kết quả cho thấy tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn công bố như sau: 37,5% về hàm lượng hữu cơ; 67,6% về hàm lượng N tổng số; 42,9% về hàm lượng lân, 45,9% về hàm lượng kali. Có 13,3% số mẫu không đạt cả 3 yếu tố NPK, 32,5% số mẫu không đạt 2 trong 3 yếu tố nói trên.

 

Trong 6 tháng đầu năm nay, 13 tỉnh, TP đã tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại 1.466 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Kiểm tra đánh giá lần đầu cho thấy chỉ có 220 cơ sở loại A (21,1%). Còn lại có tới 636 cơ sở loại B (61%) và 187 cơ sở loại C (17,9%).

 

SƠN TRANG  

Theo Nông nghiệp Việt Nam