Việt Nam: Lót tay nhiều, người siêu giàu tăng, hạnh phúc giảm

iệt Nam đứng thứ 75 trên 158 quốc gia hạnh phúc, theo khảo sát mới của mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) trực thuộc Liên hợp quốc.

Vị trí này của Việt Nam hầu như không thay đổi so với giai đoạn năm 2005-2007 nhưng tụt hạng so với năm 2013. Lần trước, Việt Nam đứng thư 63/156.

Trong bảng xếp hạng năm nay, Thụy Sỹ đứng đầu bảng, thay Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong điều tra lần trước.

Việt Nam xếp thứ 75 với chỉ số hạnh phúc là 5,360.
Việt Nam xếp thứ 75 với chỉ số hạnh phúc là 5,360.

Đây là lần thứ ba Liên Hợp Quốc công bố báo cáo này. Cuộc khảo sát được tiến hành từ năm 2012 đến 2014. Để đưa ra bảng xếp hạng trên, các nhà nghiên cứu đánh giá dựa trên các tiêu chí như tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trên đầu người, tuổi thọ trung bình, chỉ số tham nhũng và tự do xã hội.

Với báo cáo trên, rõ ràng hạnh phúc của người Việt đã bị giảm. Cũng dễ hiểu bởi làm sao có thể hạnh phúc trọn vẹn khi vì cơm áo, gạo tiền, người ta phải lo lót, chạy chọt kiếm một chỗ làm ổn định, mà theo quan niệm của người Việt, không nơi nào ổn định bằng cơ quan nhà nước.

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2014 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng phối hợp Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc công bố: Gần 50% người trả lời phải lót tay để vào công chức.

Dù hạnh phúc giảm nhưng người siêu giàu ở Việt Nam lại tăng nhanh. Báo cáo Thịnh vượng 2015 (Wealth Report) của hãng nghiên cứu Knight Frank dự đoán, trong một thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, lên 300 người. TP.HCM là thành phố có tốc độ tăng về người giàu mạnh nhất.

Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.

Theo Baodatviet.vn