Việt Nam trong tuần: Bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND

Việt Nam trong tuần: Bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND
(VOV) -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu xây dựng, bổ sung nghị định theo hướng bỏ thông tin họ và tên cha, mẹ trên CMND.

Tối 13/4, tại sân Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ tôn vinh, đón bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013.
 

Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" (Ảnh TTXVN))

Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và đại diện lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế và một số quốc gia cùng đại diện bà con Việt kiều và đông đảo du khách thập phương về với lễ hội 2013.

Trong không khí linh thiêng, đêm khai mạc Lễ hội đền Hùng và đón nhận Bằng công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được mở đầu bằng hoạt cảnh tấu trình với Quốc tổ về niềm tự hào của truyền thống ngàn đời đất Tổ.

Thủ tướng yêu cầu bỏ ghi tên cha, mẹ trên CMND

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 và Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 theo hướng bỏ thông tin họ và tên cha, mẹ trên Chứng minh nhân dân. 
 

Việc ghi tên cha mẹ trên CMND mới sẽ không bị bắt buộc

 

Thủ tướng cũng yêu cầu việc xây dựng, ban hành Nghị định trên thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong Quý II/2013.

Thủ tướng lưu ý trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các Nghị định trên, không triển khai mở rộng Dự án sản xuất, cấp và quản lý Chứng minh nhân dân.

Thủ tướng khen 13 tỉnh, phê bình 14 tỉnh

Tại công văn số 491/TTg-KTN, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 13 địa phương đã giảm trên 20% số người chết vìtai nạn giao thông trong quý I/2013; đồng thời phê bình 14 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2012. 
 

Vụ tai nạn gây chết người xảy ra tại TPHCM ngày 10/4

 

Cụ thể, 13 địa phương được Thủ tướng Chính phủ biểu dương gồm: Cà Mau, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bạc Liêu, Kon Tum, Bình Phước, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Kiên Giang và Tiền Giang.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng phê bình 14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ năm 2012, gồm: Lai Châu, Khánh Hòa, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, Sơn La và Hà Tĩnh.

Hơn 6 triệu lượt ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 
>> Sửa đổi Luật Đất đai: Thu hồi đất, đền bù theo giá nào?

Sau 2 tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được hơn 6 triệu lượt ý kiến đóng góp. 
 

Vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất... là những nội dung được quan tâm nhiều (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

 

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hai nội dung trong dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất là vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương bổ sung, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Bàn phương án phòng chống cúm A/H7N9
>> 5 khuyến báo phòng chống cúm AH7N9

Sáng 13/4, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm AH7N9. Tham dự có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo các ngành y tế, thú y, quản lý thị trường 33 tỉnh trọng điểm có đường biên giới với các nước lân cận.
 

Gà, vịt nhập về chợ đầu mối Giếng Vuông (Lạng Sơn). Ảnh: Người lao động

 

Ngay sau khi có thông tin về cúm A/H7N9 ở người tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia trong khu vực để nắm chắc tình hình; đồng thời phối hợp với các bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống. Trong đó tăng cường giám sát các dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện sớm những trường hợp nghi mắc cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát những ca bệnh viêm phổi nặng tại các bệnh viện. Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, thành lập khu vực cách ly, mở rộng các cơ sở thu dung điều trị theo từng tình huống dịch. Tăng cường năng lực trang thiết bị phương tiện chẩn đoán điều trị cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu phát hiện sớm bệnh nhân và giảm tử vong. 

Không sáp nhập VinaPhone và MobiFone

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trên tinh thần Nghị định 99 của Chính phủ, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu, sau đó trình lên Chính phủ.

Cụ thể, Bộ TT-TT chỉ đạo VNPT tái cơ cấu trên nguyên tắc phải dựa vào Luật Viễn thông, chống sở hữu chéo và phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo mỗi thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng và Việt Nam phải có 3 - 4 tập đoàn viễn thông lớn.
 

VinaPhone và MobiFone sẽ không sáp nhập (Ảnh:Vnexpress)

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quá trình tái cơ cấu phải giữ các thương hiệu mạnh như Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có giá trị hàng tỷ USD.

Như vậy, chuyện sáp nhập hay không 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone (đều thuộc VNPT) đã có câu trả lời sau gần 2 năm đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau./.