Việt Nam xuất hộ trái cây cho Thái Lan!

Việt Nam xuất hộ trái cây cho Thái Lan!
Nếu tính cả con số tạm nhập tái xuất trái cây từ Thái Lan vào xuất khẩu chung sang Trung Quốc sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nội địa không chính xác, gây khó khăn cho khâu dự báo, quy hoạch.

Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, rau quả Thái Lan nhập khẩu là 680 triệu USD, chiếm 60% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam. Song, đến hết tháng 8-2017, trong giá trị 817,9 triệu USD rau quả người Việt bán cho Trung Quốc, đến 72,6% có nguồn gốc Thái Lan.

90% được tái xuất

Các số liệu được công bố gần đây thể hiện tín hiệu lạc quan đối với thị trường rau quả Việt Nam. Đó là Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay lên đến 60,2%. 

Trong khi đó, ở chiều xuất sang Việt Nam, Trung Quốc đã nhường chỗ cho Thái Lan trở thành "quán quân" bán rau củ cho người Việt, với số lượng chiếm tới 60,7% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 2 với tỉ trọng chỉ còn 15,7%.

Việt Nam xuất hộ trái cây cho Thái Lan! - Ảnh 1.

Người Việt chỉ tiêu thụ 10% lượng rau quả nhập khẩu từ Thái Lan. Trong ảnh: Bòn bon, măng cụt Thái Lan bán tại chợ đầu mối Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai Ảnh: NGỌC ÁNH

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Việt Nam nhập khẩu với mức tăng mạnh mẽ các loại rau quả Thái Lan nhưng thực tế, tới 90% sản phẩm nhập khẩu này được tái xuất sang Trung Quốc. Các loại trái cây được nhập chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, nhãn, bòn bon… Bộ NN-PTNT cho rằng Trung Quốc vốn là nước có nhu cầu nhập khẩu rất lớn trái cây từ Thái Lan. Nhưng thời gian gần đây, Thái Lan có chính sách thu hẹp sản xuất đại trà, hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc nên thị trường khổng lồ này thiếu hàng. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), thương lái của Việt Nam trong việc xúc tiến xuất khẩu sang nước láng giềng.

Cơ hội là vậy nhưng do vấp phải vấn đề về tổ chức, sản xuất trong nước… nên bản thân trái cây Việt lại không được bán sang Trung Quốc mà phải mua trái cây Thái Lan để xuất khẩu. Chủ một DN kinh doanh trái cây ở Hà Nội - người từng tham gia nhiều đoàn xúc tiến thương mại cho mặt hàng trái cây xuất ngoại - nhìn nhận: "Đúng là Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây cả về chất lượng và hình thức đều khá hơn Việt Nam nên có tình trạng DN tạm thời chưa quan tâm đến việc thúc đẩy liên kết với nông dân để có sản phẩm tốt mà đi nhập về để xuất tiếp sang nước khác. Để đẩy mạnh xuất khẩu được trái cây Việt, cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất, hình thành các tổ đội hợp tác, liên kết nhiều nhà, sản xuất lớn theo chuỗi khép kín… để giảm giá thành, nâng cao chất lượng".

Thành tích ảo

Những số liệu nêu trên cho thấy trái cây Thái Lan chỉ mượn đường Việt Nam để sang Trung Quốc và phần mà người Việt được hưởng chỉ là công xuất khẩu hộ. Một cán bộ xuất nhập khẩu cho biết cơ quan quản lý đã ghi nhận tình trạng này. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan được được thống kê theo loại hình "nhập kinh doanh" và khi xuất sang Trung Quốc sẽ được kê khai là "xuất kinh doanh". Tuy nhiên, các số liệu này không được coi là "tạm nhập tái xuất" mà vẫn được ghi nhận vào thống kê chung.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng nếu tính cả con số tạm nhập tái xuất trái cây từ Thái Lan vào xuất khẩu nói chung sang Trung Quốc sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nội địa không chính xác. Khi đó, công tác dự báo thị trường để gợi ý cho trồng trọt, sản xuất - kinh doanh, quản lý thị trường xuất nhập khẩu… sẽ không hợp lý. Sẽ rất nguy hại nếu như số liệu thống kê xuất nhập khẩu không thống nhất giữa các bộ, ngành hoặc không nêu rõ được bản chất xuất nhập khẩu. Việc "ảo tưởng" thành tích xuất khẩu lớn có thể dẫn đến trồng trọt, sản xuất tràn lan rồi rơi vào tình trạng ế ẩm, trái cây ùn tắc tại cửa khẩu… như nhiều lần đã xảy ra. Do đó, cần kiểm soát chặt các loại trái cây này và kiên quyết không đưa hàng xuất sang Trung Quốc có nguồn gốc từ Thái Lan vào thống kê; chỉ thống kê các loại trái cây được nhập về để chế biến, tạo ra giá trị gia tăng trước khi xuất khẩu.

"Giá nhập khẩu để đưa vào số liệu thống kê hiện nay cũng chưa thống nhất. Nhiều nơi không phân định được giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nhập) và giá CIF (giá tại cửa khẩu bên xuất), lúc thì thống kê giá FOB, lúc thống kê giá CIF nên số liệu không còn nhiều tin cậy. Cần thống nhất lại cách tính này này" - ông Trinh lưu ý. 

 

 

(Nguồn tin:NLDO)