Vỗ béo bò thịt, tăng gần 1kg thịt/ngày
- Thứ sáu - 25/10/2019 10:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tăng gần 1kg thịt/ngày
Được biết, đây là mô hình chăn nuôi bò vỗ béo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, được Trạm Khuyến nông huyện Tuy An phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai tại 2 xã: An Thạch và An Định, với 220 con bò, 130 hộ tham gia mô hình.
Tuy An là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và làm ruộng. Tuy nhiên, lâu nay bà con chủ yếu chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chăn thả tự do, ít áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính nên việc vỗ béo bò thịt đạt hiệu quả chưa cao.
Nông dân xã An Phú (Tuy Hòa) vỗ béo bò lai Pháp. Ảnh: Lê Trâm
Ông Cao Văn Tiên - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tuy An cho biết: Đến nay, với những hiệu quả mà mô hình mang lại, bà con ở các địa phương đã chủ động nhân rộng, phát triển mô hình. Huyện cũng xác định, đây sẽ là mô hình cốt lõi để phát triển ổn định đàn bò của địa phương trong thời gian tới. Hiện toàn huyện có khoảng 4.000 con bò đang được người dân áp dụng mô hình chăn nuôi vỗ béo. |
Để mô hình triển khai có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện và UBND xã An Định, xã An Thạch tiến hành chọn điểm, chọn hộ có đủ điều kiện tham gia nuôi bò thịt vỗ béo như: Đối tượng bò đưa vào vỗ béo là bò cái, bò đực không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo hoặc lấy sữa; bò gầy do thiếu dinh dưỡng… Đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật vỗ béo bò, phòng trị các bệnh thường gặp, chế biến thức ăn cho bò… Qua đó, bà con đã nắm vững được quy trình nuôi bò thịt vỗ béo và lợi ích kinh tế mang lại nên rất phất khởi.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 20% thuốc tẩy ký sinh trùng và thức ăn công nghiệp. Bò đưa vào vỗ béo được tiêm thuốc tẩy ký sinh trùng theo quy định. Thức ăn dùng vỗ béo bò là thức ăn công nghiệp kết hợp với các loại cỏ, phụ phẩm nông nghiệp…
Quá trình triển khai, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện theo đúng các biện pháp kỹ thuật của mô hình đề ra, ghi chép đầy đủ số liệu theo dõi để đánh giá khả năng tăng trọng của bò qua từng tháng.
Sau 3 tháng triển khai, đến nay đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt, tăng trọng bình quân của đàn bò tại xã An Định đạt 863 gram/con/ngày, tại xã An Thạch đạt 869 gram/con/ngày, trong khi đó yêu cầu của mô hình là 700 gram/con/ngày. Đàn bò không bị dịch bệnh, cộng với được chăm sóc tốt nên ngoại hình đẹp, khối lượng thịt xẻ cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi con bò cho lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng.
Hình thành nghề chăn nuôi mới
Trước đó, từ năm 2017, mô hình nuôi bò thịt vỗ béo cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện tại 2 xã An Thọ và An Dân (huyện Tuy An). Thời gian đầu chỉ có 180 con bò đưa vào vỗ béo, nhưng sau 2 năm triển khai, số lượng bò thịt đưa vào vỗ béo của 2 xã đã tăng lên 500 con.
Ngoài ra, các xã khác của huyện Tuy An như xã An Thạch, An Định, thị trấn Chí Thạnh cũng đã nhân rộng mô hình này. Qua đó, có thể thấy mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, dần hình thành nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
Ông Nguyễn Minh Hùng (ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An) chia sẻ: “Gia đình tôi có 10 con bò đưa vào vỗ béo từ tháng 3 năm nay, nhờ được theo học lớp chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò do Trung tâm Khuyến nông tổ chức trong 3 tháng nên tôi đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi bò thịt vỗ béo. Đến nay, gia đình tôi đã xuất bán bò, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 28 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây nên gia đình tôi rất phấn khởi”.
Cũng theo ông Hùng, nuôi bò thịt vỗ béo kỹ thuật không phức tạp, không phải chăn thả; con giống chọn mua là loại bò nhỏ, bò thải nên giá rẻ; chuồng bò phải luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; thức ăn cho bò cần phải đủ lượng và chất, không cần phải đun nấu, có thể dùng rơm khô, cỏ tươi và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho bò. Cần cho bò ăn thêm một số thức ăn chế biến như rơm ủ urê, cỏ ủ chua, tảng urê, rỉ mật…
Đặc biệt cần phải cho bò ăn, uống sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh nên gia đình ông Hùng đã cho bò uống nước bằng vòi uống tự động.
Ông Lê Hoàng Thành (ở thôn Hội Tín, xã An Thạch), cũng cho biết: Nuôi lợn hay gà vịt thì thường gặp rủi ro dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên gia đình tôi chăn nuôi bò đã hơn 10 năm nay. Đặc biệt với chăn nuôi bò thịt vỗ béo, công chăm sóc không nhiều, nhưng giúp bò tăng tỷ trọng thịt, thương lái rất thích mua.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, việc triển khai mô hình chăn nuôi bò vỗ béo đã góp phần giúp bà con nông dân nắm được quy trình kỹ thuật nuôi vỗ béo bò khoa học, vừa rút ngắn thời gian nuôi, vừa giảm chi phí và đem lại lợi nhuận cao. Những còn bò trước khi vỗ béo đều có trọng lượng thấp, bình quân từ 200kg/con, chất lượng thịt kém… Sau khi đưa vào vỗ béo, bà con đã tiến hành tẩy nội, tẩy ngoại ký sinh trùng và chăm sóc theo hướng dẫn nên chỉ sau 3 tháng vỗ béo, những con bò đã tăng trọng lượng trung bình 817 gram/con/ngày, trở thành những con bò có giá trị thương phẩm cao. Trừ hết chi phí đầu tư, mỗi con bò cho thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng.