Vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nghèo

Sáng ngày 9/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Người nghèo rất cần vốn để phát triển kinh tế.
 
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập của cả nước. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian tới cần hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. 
 
Cũng theo thống kê từ NHNN, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Vốn chính sách cũng đã giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... Bên cạnh đó, NHNN đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tích cực thực hiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
 
Thế nhưng theo ông Bùi Sĩ Lợi, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa… Do vậy việc tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ.
 
Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thời gian tới, NHNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cân đối, phân bổ nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác giảm nghèo, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách”.
 
Giới chuyên gia tham dự tọa đàm cũng cho rằng, vốn chính sách đã có hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ thoát nghèo nhưng mức cho vay hiện nay đối với một hộ vẫn khá thấp, cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay. Chẳng hạn với chương trình cho vay nước sạch tại các làng, bản thuộc các phường, thị trấn địa bàn không thuộc vùng nông thôn, không thuộc đối tượng vay vốn, nên còn tồn tại nhiều hộ gia đình chưa được dùng nước sạch. Các hộ này không được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, và chất lượng đời sống còn thấp. 
 
ThS. Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện chiến lược ngân hàng cũng đưa ra giải pháp tăng cường mối liên kết hữu cơ giữa tiết kiệm và tín dụng với các mức lãi suất đặt ra phù hợp với các mức lãi suất phổ biến của thị trường, nhằm xây dựng và duy trì các chương trình tín dụng bền vững lâu dài.
 
Thúy Hằng/daidoanket.vn