Vốn vay cho HTX nông nghiệp: Đủ thứ khó!
- Thứ năm - 28/03/2013 02:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rệu rã vì vốn
Theo ông Trương Quang An, Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành - Long An), từ khi thành lập HTX đến nay, việc vay vốn mở rộng sản xuất của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2010, HTX tập trung đầu tư xây dựng trụ sở và kho xưởng sơ chế để đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Để làm được việc này, HTX cần nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng nhưng khi làm thủ tục để vay vốn từ ngân hàng thì không được chấp thuận. Sau đó, Ban chủ nhiệm HTX phải huy động sổ đỏ của nhiều xã viên mới vay được một phần vốn. Trong năm nay, HTX Thanh long Tầm Vu tiếp tục mở rộng quy mô diện tích để đáp ứng đủ sản phẩm cho các đơn hàng XK sang Hoa Kỳ và cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước. HTX dự tính cần nguồn vốn khoảng 9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và kho lạnh. “Với số tiền lớn như thế này, nếu chỉ huy động của xã viên là điều không thể. Do đó, chúng tôi đã làm thủ tục vay ở các quỹ tín dụng và ngân hàng, nhưng chắc cũng phải chờ một thời gian họ mới giải ngân”, ông An cho biết.
Tình trạng khó tiếp cận vốn tín dụng cũng diễn ra với HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long). Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ nhiệm HTX cho biết, từ năm 2008, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã được cấp chứng chỉ GlobalGAP, đến năm 2009 đã xuất khẩu hàng ngàn tấn sang thị trường châu Âu. HTX có hợp đồng bán bưởi cho hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry và các siêu thị ở Hà Nội... Tuy nhiên, sau khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn, HTX không có đủ tiền để xin cấp lại chứng nhận vì chi phí lên tới vài trăm triệu đồng. Xã viên nhiều người chán nản xin ra ngoài nên ngay cả những người tâm huyết với HTX hiện nay cũng thấy mệt mỏi”.
Tại Tiền Giang, các HTX nông nghiệp nổi tiếng nhiều năm nay cũng lâm vào tình trạng tương tự. Năm 2008, HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy) là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt được chứng chỉ GlobalGAP cho sản xuất lúa. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, HTX cũng đang rệu rã vì không đủ kinh phí xin cấp chứng nhận lại và không còn được khách hàng bao tiêu sản phẩm.
Việt Nam hiện có trên 9.000 HTX nông nghiệp với khoảng 6,7 triệu xã viên. Tuy nhiên, trong một giai đoạn dài của thời kỳ đổi mới, không ít HTX nông nghiệp đã rơi vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”, thậm chí nhiều HTX buộc phải giải thể vì hoạt động không hiệu quả. |
Cần sự liên kết
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các HTX, TS. Đinh Công Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II cho biết, việc trước mắt, Nhà nước và địa phương cần nhận thức lại về cơ cấu tài trợ cho việc phát triển HTX nông nghiệp. Theo ông Tiến, bên cạnh việc hỗ trợ bằng vốn vay thì hình thức đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn phân bổ từ Trung ương đến địa phương sẽ làm thay đổi bộ mặt HTX. “Hiện nay, hoạt động của đa số HTX nông nghiệp chưa thể coi là một hình thức tổ chức kinh tế tập thể vì vẫn có tới gần 80% số HTX chưa có trụ sở hoạt động. Cán bộ kiểm soát, thanh tra cũng như kế toán, bán hàng hầu hết vẫn chỉ là tay ngang, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, để phát triển tốt mô hình HTX nông nghiệp, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm của nông dân. Hiện, vẫn còn nhiều người có tư tưởng coi rẻ nghề nông, sợ mang tiếng học hành xong về làm nông dân. Vì thế HTX rất khó tuyển dụng lao động có trình độ cao. Để giải quyết thực trạng này, hướng trước mắt là tự HTX, cơ sở sản xuất cần ý thức học tập các mô hình làm ăn hiệu quả.
Trong khi đó, từ góc độ quản lý, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Gret (một tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đoàn kết và hợp tác quốc tế) cho rằng, thời gian tới, để giải quyết tốt hơn việc hỗ trợ vốn cho các tổ chức kinh tế tập thể như HTX cần có sự liên kết giữa các bộ, ban ngành nhằm thay đổi những quy định ràng buộc chồng chéo về đất đai, tài chính, tín dụng.
Cụ thể, việc thế chấp quyền sử dụng đất của HTX không nên phụ thuộc vào số tiền thuê đất HTX đã nộp hoặc phụ thuộc vào giá trị mảnh đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX. Thêm vào đó, Nhà nước nên tính toán cung cấp nguồn ngân sách hỗ trợ cho các TCTD để thực hiện chính sách cho các HTX vay vốn không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó ràng buộc các TCTD đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện cho vay đối với HTX. Nên tính đến giải pháp cho HTX vay vốn theo phương thức tín chấp danh nghĩa. Tức là HTX nếu được chính quyền và các tổ chức xã hội ở địa phương xác nhận làm ăn có lãi, hoạt động đúng bản chất HTX và góp phần phát triển cộng đồng thì có thể xem xét ưu tiên cho vay vốn.
Minh Tuấn (kinhtenongthon.com.vn)