Vụ lúa lép: Báo cáo Thủ tướng và đề xuất hỗ trợ
- Thứ ba - 21/05/2013 20:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo mới nhất của các tỉnh, diện tích bị thiệt hại do cấy giống lúa này đã lên đến trên 15.000ha.
Diện tích bị thiệt hại đã lên trên 15.000ha
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ đông xuân vừa qua, tỉnh không có chủ trương đưa giống lúa BC 15 vào gieo cấy, nhưng do đây là giống ngắn ngày, người dân cấy các vụ trước thấy gạo ngon đã tự ý đưa vào gieo cấy. Theo thống kê chưa đầy đủ, Thanh Hóa có khoảng 8.000ha canh tác lúa BC15, trong đó khoảng 70% bị lép hạt, trong đó cá biệt có nhiều hộ gieo cấy 100% diện tích là giống BC15.
Nhiều diện tích lúa BC15 ở Nghệ An bị lép hạt |
Còn tại Nghệ An, ông Từ Trọng Kim – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT cho biết, thống kê mới nhất, diện tích lúa BC15 trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 6.600ha, trong đó có khoảng 5.300ha bị thiệt hại nặng và con số này có thể còn tăng lên do các địa phương chưa báo cáo hết.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, toàn tỉnh gieo cấy 2.900ha diện tích lúa BC15, trong đó có khoảng gần 700ha kết hạt kém, tập trung chủ yếu ở huyện Lập Thạch và Sông Lô. Đặc biệt, có nhiều hộ còn cấy 100% diện tích lúa BC15, trong đó có cả hộ nghèo nên hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Trái ngược với kết luận của Cục Trồng trọt và doanh nghiệp, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho rằng, nguyên nhân lúa lép hạt là do lô giống không đảm bảo chất lượng.
Nhiều nông dân ở Vĩnh Phúc có mặt tại cuộc họp cũng đề nghị các nhà khoa học, Cục Trồng trọt giải thích nguyên nhân tại sao, giống lúa BC15 cùng ở một thửa ruộng, trỗ cùng một thời gian, ở nhiều vùng khác nhau nhưng lại có nơi vẫn đậu quả, có nơi lép hạt? Theo TS Nguyễn Thị Trâm (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), giống lúa BC15 là giống lúa mẫn cảm với thời tiết, cả lạnh và nóng. Theo quy trình, trong 15 ngày trỗ là thời thời kỳ thụ phấn, nên rất nhạy cảm. Do đó, theo bà Trâm, bà con nông dân ở các tỉnh miền Bắc không nên gieo cấy giống lúa BC15 trong vụ đông xuân.
TS Nguyễn Trí Hoàn- Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thì cho rằng, năm nay có đợt rét vào cuối tháng 4 là đợt rét bất thường, nên mới xảy ra hiện tượng lúa BC15 lép hạt.
Sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ
Ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, giống BC15 đã được khảo nghiệm và đưa vào trồng đại trà trên toàn quốc đã được 12 năm, có năm trên toàn quốc đã gieo cấy giống lúa BC15 lên tới 400.000ha. Về sự việc lúa lép hạt, ông Báo cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách hỗ trợ nông dân để bà con yên tâm sản xuất, về phía doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ rủi ro cho bà con nông dân ở mức cao nhất có thể.
TS Lê Quốc Doanh – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Qua trao đổi của các địa phương và các nhà khoa học cho thấy, hầu như những giải thích đều giống với báo cáo của Cục Trồng trọt đã gửi lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Đó là, ở Thanh Hóa và Nghệ An, nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt và có sự bất thường, nhiệt độ xuống thấp vào thời kỳ lúa trổ bông và thiếu ánh sáng, ảnh hưởng tới quá trình làm đòng. Trong khi đó, giống lúa BC15 là giống được xác định mẫn cảm với thời tiết, cả thời tiết nóng và thời tiết lạnh. Riêng ở Vĩnh Phúc, vẫn còn băn khoăn với một nguyên nhân khác là do chất lượng giống.
Về các biện pháp hỗ trợ nông dân, ông Doanh cho biết: “Đối với những hộ gieo cấy 100% diện tích BC15 bị thiệt hại thì cần phải hỗ trợ gạo ăn và giống để gieo cấy vụ mới. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương vận dụng chính sách hỗ trợ cho nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sớm vào cuộc để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại”,
Ông Doanh cũng đề nghị các tỉnh cần sớm kiểm đếm và có báo cáo thiệt hại bằng văn bản gửi về Bộ NNPTNT để Bộ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Thanh Xuân (DANVIET.VN)