Vựa đào xứ Thanh 'nín thở' chờ tết

Vựa đào xứ Thanh 'nín thở' chờ tết
Như Thanh là vựa đào lớn của Thanh Hóa. Đầu tháng Chạp, những vườn đào hiện lên trông có vẻ khô khát nhưng kỳ thực đang hé nụ, đem đến niềm hi vọng về một cái tết “ấm”.

Bà Hàn Thị Lan, thôn 3, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) có 48 ha rừng, trong đó có 8 ha đào nằm sát chân đập Khe Dài. Bà Lan cho hay, với 8 nghìn cây đào cảnh, nếu thời tiết thuận lợi, Tết Canh Tý bà có thể bán ra thị trường trên dưới 4 nghìn cây. Với giá bình quân 300.000 đồng/cây, gia đình bà có thể thu về trên dưới 1,2 tỷ đồng.

 
Đầu tháng Chạp, những vườn đào ở Như Thanh được tuốt lá, trông có vẻ xơ xác nhưng thực chất đang tích lũy dinh dưỡng từ đất trời để khai hoa, nở nhụy.
Theo kinh nghiệm người trồng đào xứ Thanh, đến độ giữa tháng Chạp đào lác đác nở hoa nhưng người trồng đào chỉ chỉ thở phào nhẹ nhõm sau ngày 29,30 tháng Chạp.

Tuy nhiên, theo bà Lan, trồng đào cũng chẳng khác gì đánh bạc với trời. Nhiều thời điểm, người trồng đào căn cứ vào tình hình thời tiết để xử lý lá nhưng khi thời tiết thay đổi thất thường thì “người tính không bằng trời tính”. Chính vì thế, dù đã có kinh nghiệm 10 năm trồng đào nhưng cũng có những năm gia đình bà thất thu hàng trăm triệu đồng.

Bà Lan hi vọng, cuối tháng chạp, thung lũng hoa đào ngay đập Khe Dài sẽ bung nở để đón chào mùa Xuân. Hoa nở đúng dịp là niềm vui lớn giúp người trồng đào có cái tết ấm no.

“Thời tiết ngày càng khó lường. Có những năm, gia đình tôi thất thu hàng trăm triệu đồng vì đào nở quá sớm. Không bán được đào, người trồng đào coi như mất tết. Nhưng cây đào càng để lâu càng có giá. Những cây đào năm nay không thu được thì năm sau và những năm tiếp theo vẫn có thể bán được. Năm nay còn hai đợt rét nữa, đào đã chớm nụ, hi vọng sẽ nở đúng vào dịp tết” – bà Lan hi vọng.

Người trồng đào xứ Thanh đang chuyển hướng sang trồng đào thế vì cho giá trị kinh tế cao hơn. Mỗi cây đào thế có thể có giá lên đến vài ba chục triệu đồng. Trồng và chăm sóc đào thế khó hơn trồng đào cảnh thông thường nhưng đổi lại, đào thế được thị trường ưa chuộng, có thể bán hoặc cho thuê.

Bà Lan cho biết thêm, lúc đầu gia đình bà mua giống đào Xuân Du về trồng, sau đó chuyển sang đào Nhật Tân phai, đào Phú Sơn. Vài năm gần đây, gia đình bà chuyển một ít diện tích sang trồng đào cổ, đào thế vì có giá trị kinh tế cao hơn. Thường, đối với đào gieo bằng hạt, sau 4 năm chăm sóc, cắt tỉa, nếu đạt tiêu chuẩn thì có thể xuất bán, mỗi cây đào như thế này nếu bán tại vườn có giá khoảng 300-400 nghìn đồng.

 Những cây đào khoe sắc ngay từ đầu tháng Chạp được cho là cây đào “lỗi” hoặc do chế độ chăm sóc, hoặc do thời tiết. Nếu sở hữu những vườn đào như thế này coi như người trồng đào mất Tết.

Kinh nghiệm trồng đào cảnh ở Thanh Hóa cho thấy, cứ đến tháng 11 âm lịch là bắt đầu xử lý, tuốt lá đào. Tuy nhiên, nếu thời tiết ấm thì việc tuốt lá đào diễn ra muộn hơn.

“Đầu tháng Chạp đến vườn đào sẽ khó để ưng mắt. Đào vừa tuốt lá xong đang trong giai đoạn đầu ra nụ. Nếu đào đã nở vào thời điểm này thì coi hỏng. Phải đến giữa tháng Chạp thì những vườn đào mới bắt đầu nở hoa” – bà Lan cho hay.

Từ hàng chục năm nay, Như Thanh được xem là vựa đào của xứ Thanh. Có những xã chỉ trồng toàn đào. Đào Như Thanh nổi tiếng đẹp, màu sắc bắt mắt, cánh dày với nhiều giống đào khác nhau

Ông Quách Văn Hùng, một chủ hộ trồng đào nổi tiếng ở xã Xuân Du (Như Thanh) cho hay, với tình hình thời tiết như hiện nay hi vọng đào sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời tiết rất thất thường nên không thể nói trước điều gì.

“Người trồng đào luôn trong trạng thái thấp thỏm lo âu. Chỉ đến ngày 29, 30 tháng Chạp thì người trồng đào mới biết được chính xác là năm đó có tết hay không. Thời tiết thuận lợi thì trồng đào mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nhưng nếu bất thuận thì vườn đào vẫn còn đó còn người trồng đào thì chỉ có những cái tết buồn”, ông Hùng nói.

Theo Võ Văn Dũng/nongnghiep.vn