"Vua trâu" vùng biên cương lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

"Vua trâu" vùng biên cương lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Ông Khoàng Văn Phánh ở bản Mường Nhé, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã có gần 40 năm kinh nghiệm với nghề nuôi trâu. Chính vì có thâm niên cao và nuôi trâu số lượng lớn, ông Phánh được mệnh danh "vua trâu" vùng biên này. Mỗi năm, ông Phánh lãi hơn 220 triệu đồng từ nuôi trâu thả đồi ở nơi biên cương cực Tây của Tổ quốc.
 
   
Ông Phánh cho biết: Trước kia gia đình tôi trồng cây ngô, cây sắn để trang trải cuộc sống, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy đất rừng ở gần nhà rộng, lại nhiều cỏ và nước suối chảy quanh năm, có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc nên tôi bàn với vợ con quyết định nuôi trâu thả đồi, mong sao có thể thay đổi cuộc sống đói nghèo đeo bám bao năm. Được vợ con đồng ý rất cao, tôi sang các bản lân cận mua về 5 con trâu giống loại tốt về nuôi theo kiểu thả đồi.

Thời gian đầu, tôi phải nhờ đến cán bộ thú y xã Mường Nhé hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu. Khi cán bộ hướng dẫn, tôi chú ý nghe, quan sát và ghi chép cẩn thận. Nhờ vậy, mà tôi đã nâng cao được tay nghề trong chăm sóc đàn trâu rất thuần thục và bài bản hơn. Khoảng  2 năm sau, đàn trâu giống của gia đình tôi phát triển rất tốt và cho sinh sản được 5 con nghé; rồi cứ thế, đàn trâu sinh sôi nảy nở đến hàng chục con.

 'vua trau' vung bien cuong lai hang tram trieu dong moi nam hinh anh 1

Đàn trâu của ông Phánh được chăn thả trong một khu đồi ổn định có nguồn thức ăn phong phú.

Đến nay, trang trại của gia đình ông Phánh có đàn trâu đông đúc lên tới 42 con trâu và trở thành hộ có số lượng trâu lớn nhất vùng biên giới này. Để đảm bảo thức ăn cho đàn trâu, ngoài việc trồng thêm cỏ voi, ông Phánh còn thu mua rơm rạ, thân cây ngô của người dân trong bản tích trữ vào kho làm nguồn dự trữ thức ăn chủ động. 

 'vua trau' vung bien cuong lai hang tram trieu dong moi nam hinh anh 2

Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn trâu của ông Phánh sinh sôi nảy nở nhanh, con nào cũng khỏe mạnh

Trao đổi với Dân Việt, ông Phánh cho hay: “Để đàn trâu khỏe mạnh, ngoài việc cho trâu tự kiếm ăn với đồi cỏ mỗi ngày, tối đến khi trâu về chuồng, tôi thường thái cỏ voi lên các máng ăn được chuẩn bị sẵn để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đàn trâu. Phải tích cực diệt ruồi muỗi, gián, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi trâu trong chuồng. Tôi dự tính năm nay, đàn trâu này sẽ cho tôi thêm hơn 20 con nghé, ước tính lãi hơn 220 triệu đồng”. –ông Phánh tự tin chia sẻ.

 'vua trau' vung bien cuong lai hang tram trieu dong moi nam hinh anh 3

Hiện nay, giá trâu trưởng thành được bán trên thị trường với giá hơn 20 triệu đồng/con, đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Phánh.

Ông Phánh dự định thời gian tới, sẽ nhân rộng mô hình nuôi trâu thả đồi lên từ 60 đến 80 con nái để có điều kiện lựa chọn được đàn trâu nái khỏe mạnh, sinh sản tốt, duy trì lâu dài và có nhiều nghé con chất lượng tốt, giúp những hộ nông dân nghèo khó trong vùng nuôi rẽ con giống, cùng nhau xóa nghèo và làm giàu...

Theo danviet.vn