“Vua trứng cút” miền Tây bán trứng cút cho Nhật, thu 1 tỷ/tháng
- Thứ bảy - 15/09/2018 08:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trứng cút sạch Hai Hồ
Như đã hẹn, tôi tìm đến trại cút của ông Hai Hồ để xem lão nông này thực hư làm trứng cút sạch cho thị trường Nhật ra sao. Trại nuôi cút này rộng hơn 2ha, hình thành khoảng hơn năm nay. Trại nằm cách phía Đông Bắc TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 6km.
Nhân công thu gom trứng cút trong trại của ông Hai Hồ. Ảnh: Trần Đáng
Hiện, ông Hai Hồ phát triển hệ thống trại nuôi vệ tinh không chỉ trong tỉnh Tiền Giang mà còn ở một số tỉnh khác, như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng... |
Trại được xây dựng khá bài bản nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái. Hiện, trong trại có 7 dãy chuồng với hơn 100.000 con cút mái đang cho trứng. Thay vì với những kiểu chuồng “chạn chén” bằng gỗ tại một số làng nuôi cút, các ô chuồng ở đây được làm bằng kẽm ghép lại với nhau thành một hệ thống nối dài. Kiểu chuồng này có ưu điểm gọn nhẹ, tiết kiệm diện tích, thoáng mát, dễ vệ sinh. Ngoài ra, chuồng còn được trang bị thêm hệ thống nước uống tự động và máng ăn tiết kiệm thức ăn…
Theo ông Hai Hồ, hệ thống chuồng nuôi cút này là thành quả gần chục năm ông miệt mài nâng cấp, hoàn chỉnh từ kiểu chuồng “chạn chén” lỗi thời. Sáng chế này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận kiểu dáng chuồng nuôi công nghiệp từ năm 2009.
“Chuồng nuôi cút là khâu rất quan trọng. Kiểu chuồng này giải quyết căn cơ cho vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi cút, giảm được dịch bệnh đáng kể nên hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trị bệnh, giảm công chăm sóc gấp 10 lần”, ông Hai Hồ chia sẻ.
Để có thành công như hiện nay, ông có bước khởi nghiệp khá gian nan. Ông Hai Hồ cho biết, ông chọn nuôi chim cút bởi nó phù hợp với điều kiện ít vốn, quay vòng nhanh. Lúc đầu do kỹ thuật chưa hoàn thiện nên cút hao hụt nhiều, lợi nhuận chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Qua thời gian, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với trứng cút rất lớn, trứng cút đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em, không thiếu được trong đám tiệc và các loại bánh, năm 2001, ông mở rộng đàn chim cút nuôi lên tới 20.000 con, chi phí đầu tư 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, đợt dịch cúm gia cầm năm 2002 – 2003 khiến đàn cút của gia đình ông tuy không bị dịch nặng, nhưng cũng phải tiêu hủy hoàn toàn. Không nản chí, đầu năm 2004, ông vay vốn ngân hàng xây dựng lại chuồng trại, mua giống tổ chức lại sản xuất, cải tiến hệ thống chăn nuôi, quy trình chăm sóc theo hướng chăn nuôi mới, nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay từ khâu con giống, nguồn thức ăn...
Nhờ thực hiện quy trình chăn nuôi tiên tiến, trứng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên từ cuối năm 2013 đến nay, ông hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang Nhật Bản hơn 2 triệu quả trứng cút mỗi tháng, mang lại thu nhập khoảng một tỷ đồng.
Phát triển hệ thống vệ tinh
Ông Trần Nguyễn Hồ kiểm tra trứng cút sạch trước khi bán. Ảnh: Cửu Long
“Sản xuất trứng cút trong nước đang gặp tình trạng cung vượt cầu do nông dân tăng đàn quá lớn, thiếu kiểm soát. Cộng thêm kiểu chăn nuôi truyền thống, bà con nuôi cút sẽ rất khó khăn trong thời gian sắp tới. Tôi nghĩ phải làm trứng cút sạch thì mới thoát khỏi tình trạng này, vì hiện nay trứng cút sạch tôi làm ra không đủ cung cấp cho thị trường” - ông Trần Nguyễn Hồ |
Theo ông Hai Hồ, “làm ăn với Nhật không phải đùa”. Tiêu chuẩn họ đặt ra rất nghiêm ngặt về chất lượng an toàn vệ sinh chuồng trại và thực phẩm. “Đến hình thức trứng cũng phải đẹp. Thay vì sau khi luộc xong, lòng đỏ trứng cút hay nằm lệch sang một bên, thì khi xuất sang Nhật, lòng đỏ bắt buộc này phải nằm giữa trứng. Chúng tôi phải học kỹ thuật để làm cái trứng đúng tiêu chuẩn này”- ông Hai Hồ nói.
Đặc biệt, trứng tuyệt đối không có dư lượng kháng sinh. Ông Hai Hồ cho biết, chuyến đầu tiên anh xuất trứng cút đi Nhật đổ bể, mất trắng 2 tỷ đồng, cũng vì dư lượng kháng sinh. Để tránh những thương vụ không thành công, gây thiệt hại kinh tế đôi bên, phía Nhật Bản yêu cầu ông phải tự chế biến thức ăn cho cút mái; khi nhập cám, gạo, bắp phải thông báo lai lịch vùng sản xuất, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không…, sau đó lấy mẫu cám gạo đưa sang Nhật kiểm tra.
“Tại trại luôn có một nhân viên của công ty Nhật làm các công việc liên quan đến kiểm tra chất lượng sản phẩm nên trứng cút luôn luôn trong tình trạng sạch khi xuất kho. Tỷ lệ PPM (tỷ lệ của khối lượng một chất trong tổng khối lượng hỗn hợp chứa chất đó) dư lượng kháng sinh trên trứng cút được quy định ở phần tỷ”-ông Hai Hồ bộc bạch.
Việc áp dụng quy trình sinh học vào chăn nuôi giúp hạn chế sử dụng thuốc và sản phẩm trứng không có tàn dư kháng sinh. Với quy trình này đã đáp ứng yêu cầu khắc khe của đối tác Nhật Bản để xuất khẩu được trứng cút vào thị trường này.
Ông Hai Hồ cho biết, với khoảng 300.000 con cút mái hiện nay, mỗi ngày ông xuất ra thị trường hơn 200.000 trứng. Trong đó, khoảng 50% số trứng nàyanh chuyển sang Nhà máy đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Định (thuộc Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang) để đóng hộp xuất khẩu. Tính trung bình, mỗi trứng xuất khẩu ông lời 60 đồng.
Do thị trường tiêu thụ trứng chim cút rất mạnh và ổn định, nên ông đã phát triển hệ thống chăn nuôi vệ tinh bằng cách đầu tư cho nhiều hộ khác nuôi chim cút (hỗ trợ vốn vốn qua con giống, chuồng, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…).
Tại Tiền Giang, ông thành lập tổ hợp tác nuôi cút lấy trứng với hơn 20 thành viên. Theo ông Hai Hồ, mục đích thành lập tổ hợp tác là muốn hỗ trợ người nghèo có phương tiện sản xuất vượt qua khó nghèo. Để hỗ trợ các thành viên trong tổ, anh nhận chuyển giao công nghệ, cho vay vốn, cung cấp thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm. “Tôi bao tiêu trứng với giá sàn đảm bảo cho bà con không lỗ. Khi giá lên, tôi mua theo giá thị trường. Phần bà con, ngoài bán trứng còn có thu nhập thêm từ việc bán phân cút” - ông cho biết.
Theo ông Hai Hồ, tổ hợp tác đang hướng đến làm trứng cút sạch. Những thành viên nào đủ khả năng làm trứng cút sạch xuất khẩu ông nhiệt tình giúp đỡ để làm vệ tinh cho mình. Những thành viên chưa đủ khả năng, ông hỗ trợ làm trứng cút để cung ứng cho thị trường trong nước.
Theo danviet.vn