Vùi rơm rạ: Cẩn thận gây ngộ độc cho cây
- Chủ nhật - 21/06/2015 03:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các nhà khoa học thường kêu gọi người SX nông nghiệp cần phải trả lại chất hữu cơ cho đất. Lý lẽ chủ yếu là nếu lâu ngày không bón chất hữu cơ cho đất thì đất sẽ ngày càng xấu đi…
Cần trả lại hữu cơ cho đất
Nếu nói theo ngôn ngữ khoa học thì đất sẽ bị suy thoái biểu hiện rõ cả về tính chất vật lý và cả thành phần hóa học. Đất bị suy thoái thì tính chất vật lý ngày càng kém biểu hiện lên kết cấu bị nén chặt hay quá rời rạc, dung trọng bị thay đổi, khả năng giữ ẩm, giữ nước, giữ phân kém.
Bên cạnh đó, màu sắc đất cũng ngày càng bị xám bạc, độ chua tăng lên, chất hữu cơ ngày càng giảm, dẫn đến chất dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt. Hậu quả là năng suất cây trồng sẽ suy giảm.
Trên các nền đất bị thoái hóa dù có đầu tư thêm nhiều phân hóa học thì hiệu quả sử dụng phân cũng sẽ bị kém đi. Do đó năng suất lúa, hoa màu trên đất xám bạc màu hay đất cát ven biển dù có bón đến 200 kg N/ha (khoảng 435 kg urê) thì cũng không bằng bón 80 - 100 kg N trên đất phù sa.
Từ tình trạng thực tế như vậy nên đã có nhiều người cho rằng bón phân hóa học khiến chai đất, làm cho đất xấu đi, mà không thấy điều cốt lõi là do người trồng cây không chú ý trả lại chất hữu cơ cho đất là yếu tố quyết định.
Lý do phải bón đơn thuần phân hóa học một phần do nguồn phân hữu cơ khan hiếm, nếu có thì mang vác tốn công, thao tác kềnh càng, trong lúc đó bón phân hóa học tiện lợi nhiều mặt nên thiếu sự kết hợp hài hòa của hai chủng loại phân này khi gieo cấy.
Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu những nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên thì sẽ giảm bớt ác cảm với phân hóa học.
Mặc dù nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên ngày càng dùng nhiều phân hóa học, nhưng họ lại biết tận dụng chất hữu cơ trả lại cho đất thông qua kỹ thuật ép tàn dư thực vật vào vườn cà phê, phủ luống cho cà phê, bón thêm phân chuồng cho cà phê ước tính bình quân các loại khoảng 8 - 10 tấn/ha/năm.
Do đó hàng năm bình quân các tỉnh Tây Nguyên đã sử dụng gần 3 tấn phân hóa học các loại/ha cà phê mà đất trồng cà phê vẫn không bị suy thoái, năng suất cà phê năm sau vẫn cao hơn năm trước.
Xin được dẫn ra số liệu điều tra của Tôn Nữ Tuấn Nam nêu trong báo cáo “Kết quả nghiên cứu các giải pháp khoa học - công nghệ và kinh tế- xã hội ở Tây Nguyên” thì rõ.
Báo cáo nêu rằng bình quân phân hóa học đã bón cho cà phê trên 4 tỉnh Tây Nguyên là 416 kg N (tương đương với 904 kg phân urê/ha), 248 kg P205 (tương đương với 1.550 kg super lân) và 239 kg K20 (tương đương với 398 kg phân KCL/ha). Tổng cộng 3 chủng loại phân hóa học này lại đã được con số 2.852 kg/ha/năm.
Nếu so sánh số phân đã bón cho lúa và ngô cũng như các cây hoa màu khác thì còn kém xa số phân đã bón cho cà phê.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ khuyến khích bón nhiều phân hóa học cho cây trồng, mà chỉ để làm rõ thêm ý nghĩa phối hợp phân hữu cơ các loại một cách hợp lý thì dù có bón phân hóa học với liều lượng cao thì cũng không phải là thủ phạm làm chai đất hay làm xấu đất như có người từng nghĩ.
Chú ý khi vùi rơm rạ
Tuy vậy ta cũng cần chú ý rằng, nếu không có phân hữu cơ hoai mục để bón mà phải vùi xác cây phân xanh hay rơm rạ tươi thì chỉ thực hiện trên đất trồng màu hay đất lúa nước nhưng được tháo cạn phơi ruộng mới an toàn và có hiệu quả.
Trường hợp cần thiết phải vùi rơm rạ tươi thì phải cày lật đất ngay, sau 1 tháng mới gieo sạ, chú ý bón thêm vôi, bón lượng lân nhiều hơn bình thường, và khi lúa mọc được 15, 30 ngày cần tháo nước phơi ruộng khoảng 5 - 7 ngày thì mới có thể đạt được năng suất lúa cao và ổn định.
Kết quả vùi rơm rạ (miền Bắc gọi là cày vặn rạ) hay vùi các loại cây phân xanh đã được các nhà Nông hóa của Viện Nông hóa thổ nhưỡng nghiên cứu trên nhiều loại đất ở miền Bắc từ trước ngày giải phóng miền Nam.
Kết quả nghiên cứu đã khuyến cáo rằng, vùi rơm rạ tươi hay phân xanh trên đất màu thì không gây độc cho cây. Nhưng trên đất ngập nước liên tục mà thời gian vùi ngắn thì rất dễ gây ngộ độc cho cây.
Gần đây Vũ Tiến Khang và cộng sự (2005) và Nguyễn Thành Hối (2008) cũng một lần nữa chứng minh rằng nếu vùi rơm rạ tươi trong đất ngập nước liên tục, do điều kiện yếm khí nên tiến trình phân giải diễn ra rất chậm. Vùi đến 90 ngày mà vẫn còn 37% số rơm rạ chưa được phân giải.
Trong thực tế tỷ lệ 63% số rơm rạ được gọi là đã phân giải cũng chỉ ở trong giai đọan bán phân giải.
Do trong quá trình phân giải rơm rạ tươi đã sản sinh ra nhiều độc tố như H2S, CH4, C2H4, các axit hữu cơ bay hơi và không bay hơi khá nhiều nên đã gây độc cho rễ lúa, làm cản trở quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, lá và làm cho một phần rễ lúa bị chết, tỷ lệ nhánh hữu hiệu thấp, tỷ lệ lép cao, dẫn đến năng suất lúa thấp hơn ruộng lấy hết rơm rạ ra khỏi ruộng lúa khoảng 40% (thí nghiệm trong chậu) và khoảng 17 - 20% (thí nghiệm ngoài đồng).
Trong lúc đó nếu vùi rơm rạ tươi trong vụ HT nhưng sau sạ lúa 15 ngày, hoặc 30 ngày có tháo cạn phơi ruộng khoảng 5 ngày thì về sau lúa phục hồi khá nhanh và năng suất cao hơn ruộng để nước nông thường xuyên khoảng 19%.
Vì vậy, ở ruộng ngập nước, làm lúa HT, nếu không có điều kiện tháo cạn phơi ruộng thì tốt nhất là đem hết rơm rạ ra khỏi ruộng, hoặc có thể buộc phải đốt rơm rạ thì nên rải đều và đốt triệt để rồi cày đất ngâm ruộng khoảng 1 tháng mới gieo sạ lúa....
Theo Danviet.vn