Vườn rau canh tác tự nhiên “mẫu” ở Quảng Trị
- Thứ sáu - 12/10/2018 23:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dưới cái nắng hanh hao của những ngày giữa Thu, men theo con đường làng quanh co rợp bóng phi lao xanh mát, chúng tôi ghé vào thăm mô hình trồng rau màu sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên (CTTN) có tiếng của chị Hoàng Thị Yến ở thôn An Trú, xã Triệu Tài (Triệu Phong - Quảng Trị).
Áp dụng canh tác tự nhiên
Đón chúng tôi, chị Yến với nụ cười niềm nở, hiền hậu, chất phác đúng chất của người phụ nữ thôn quê, rồi đưa đi dạo một vòng để giới thiệu về vườn rau màu mà chị tâm huyết, luôn chăm sóc tỉ mỉ. Chị bảo, chăm rau màu cũng như chăm con mọn, khi đó vườn rau mới xanh tốt, sạch sâu bệnh được.
Theo lời chị kể, giữa năm 2015, thông qua dự án Koica của huyện, chị cùng với 4 hộ trong thôn được chọn để thực hiện mô hình trồng rau, nuôi gà sạch theo phương thức CTTN do TS. Chang Pyo Lee (người Hàn Quốc) chuyển giao.
Ban đầu, khi được tập huấn kỹ thuật về trồng rau sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học hay chất kích thích sinh trưởng mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, cây phân xanh và phân động vật… cùng với chế phẩm dinh dưỡng được lên men vi sinh; còn thuốc trừ sâu bệnh được làm ra dựa trên các nguyên vật liệu sẵn có như gừng, tỏi, ớt, thuốc lá…, chị cũng như những hộ khác cảm thấy không chắc chắn, mơ hồ, chưa hình dung ra được sẽ làm như thế nào. Tuy nhiên, gia đình chị rất thích và hưởng ứng nhiệt tình vì trồng rau ngay trong vườn nhà, nếu không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh sẽ rất an toàn cho mọi người.
Khi đó, gia đình chị đăng ký thực hiện mô hình với diện tích 200m2 để thử nghiệm. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, “cầm tay chỉ việc” thực hiện các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc, ủ phân, chị bắt đầu vỡ vạc ra, rồi bị cuốn hút.
Kết thúc vụ đầu tiên, gia đình chị nhận thấy khoảnh rau áp dụng theo phương thức CTTN phát triển tốt, không thấy xuất hiện sâu bệnh hại, rau mặc dù không nõn nà, xanh mướt như trước đây canh tác thông thường nhưng đổi lại rau ăn vị đậm đà hơn, đặc biệt là bảo quản được lâu hơn và hơn hết là không phải pha chế thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu bệnh, độc hại cho người sản xuất, người trong nhà. Kể từ đó, gia đình chị mạnh dạn áp dụng phương pháp CTTN cho cả vườn rau, với diện tích lên tới 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2).
Được biết, vườn rau nhà chị mùa nào cũng có, quanh năm xanh tốt, với điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt ở mảnh đất gió Lào nóng rát vào mùa khô, mưa rét liên miên vào mùa mưa, quả không phải là dễ.
Chị vui vẻ chia sẻ thêm: “Sau quá trình sản xuất, tôi nhận thấy các chế phẩm thảo mộc có tác dụng phòng trừ sâu bệnh rất tốt. Nhưng nếu dịch sâu bệnh bùng phát mạnh với diện rộng thì sử dụng thảo mộc hiệu quả không cao, nên người sản xuất cần phải nắm quy luật phát sinh của sâu bệnh để luồn lách thời vụ.
Giá cao hơn thị trường 20%
Nói về lợi ích và hiệu quả kinh tế, chị Yến cho hay: “Sau khi biết rau của gia đình tôi được trồng theo phương pháp CTTN, nhiều người đã tìm tới tận vườn để mua về sử dụng, nhiều khi không có đủ rau để bán. Hiện nay rau của nhà tôi được Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong tại thành phố Đông Hà đặt hàng sản xuất theo kế hoạch để cung cấp cho cửa hàng với giá cả cao hơn so với thị trường 20%”.
Chỉ tay về phía những luống cà với diện tích 200m2 sai quả đang độ thu hoạch, chị bộc bạch, trên luống đất này trước đây khi canh tác theo cách thông thường, do chủ yếu là sử dụng phân bón hóa học nên cây mặc dù rất xanh tốt nhưng lại không lâu dài, dễ bị héo nhũn, chết rục, cho thu hoạch vài lứa đầu là cây tàn. Song trồng theo phương pháp CTTN, cây mặc dù không xanh đượm nhưng đổi lại khỏe mạnh, cứng cây, cho nhiều lứa quả, hầu như không bị chết rục, quả vị ngọt đậm đà hơn. Khi đưa ra thị trường thì được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
“Với luống cà này, bình quân cứ 3-5 ngày gia đình tôi thu hoạch 1 lần, được từ 20 -25 kg, bán với giá 5.000-7.000 đồng/kg. Bắt đầu thu hoạch từ tháng 3, đến giờ vẫn còn tiếp tục ra quả; ước thu hết vụ cũng được 5-6 triệu đồng. Tính từ lúc gia đình tôi áp dụng CTTN trên toàn vườn rau đến nay, mỗi năm có thu nhập 30 triệu đồng”, chị Yến phấn khởi nói.
Cần chứng nhận chất lượng
Khi chúng tôi đề cập đến mong muốn, định hướng lâu dài của gia đình về canh tác vườn rau theo CTTN trong thời gian tới để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế, chị Yến cho biết, gia đình sẽ tiếp tục sản xuất rau theo CTTN và mong muốn được làm nhà màng nylon để trồng rau quanh năm, mùa mưa đỡ phải vất vả đêm hôm chạy ra che mưa gió và hạn chế được sâu bệnh. Thêm nữa là sản phẩm làm ra có chứng nhận chất lượng để bán ra thị trường có giá cả tương xứng với chất lượng, công sức chăm bón; có nơi tiêu thụ ổn định về số lượng cũng như giá cả để chúng tôi an tâm sản xuất.
Hiện gia đình chị đang chuẩn bị nguyên vật liệu làm nhà màng nylon trên 2 luống rau với diện tích 40m2 để thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ mở rộng ra 300-500m2. Chị rất Yến mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ của dự án Koica để gia đình chị có được vườn rau khép kín, liên vụ, có được sản phẩm rau sạch quanh năm cung ứng cho cửa hàng nông sản sạch và người tiêu dùng.
Theo kinhtenongthon.vn