Vương quốc trái cây” cù lao Minh khốn đốn!

Vương quốc trái cây” cù lao Minh khốn đốn!
Cù lao Minh (huyện Long Hồ-Vĩnh Long) được mệnh danh “vương quốc trái cây” với nhãn da bò và chôm chôm nổi tiếng khắp vùng. Không ít người muốn một lần đến cù lao để tận hưởng hương thơm nức mũi của nhãn chín hay tận mắt nhìn vườn chôm chôm trĩu cành đỏ rực. 2 loại cây này một thời gian dài “ngự ở top đầu” về hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng làm thay đổi đời sống người dân địa phương.

 
Người dân cù lao Minh lao đao khi giá trái cây tuột dốc.

Song vài năm trở lại đây, cây nhãn, chôm chôm không còn giữ vị thế “độc tôn” nữa. Người dân cù lao Minh đang khốn đốn vì giá cả bấp bênh, dịch bệnh tràn lan…

Lao đao giá cả trái cây

Chưa bao giờ người dân ở cù lao Minh lao đao như hiện nay. Trước đây, tình trạng “trúng mùa rớt giá” là chuyện thường gặp. Nhớ mùa chôm chôm năm trước trúng mùa, nhưng giá có thời điểm xuống vài trăm đồng/kg. Người dân đành bóp bụng bỏ vườn để cho chôm chôm chín… nhũn trên cây hoặc… cho bà con xóm giềng hái bán.
 
Theo nhà vườn, giá chôm chôm rẻ thì khi hái sẽ lỗ chi phí thuê nhân công và vận chuyển đi bán. Mùa chôm chôm năm nay, nhà vườn còn thảm hơn vì “đã thất mùa còn rớt giá”. Theo các chủ vườn, năm nay chôm chôm chỉ ra hoa khoảng 20- 30%, nhiều vườn còn bị thất trắng. Chú Nguyễn Văn Sáu (xã An Bình) có 4 công chôm chôm năm trước cho gần chục tấn trái thì vụ này chỉ được khoảng… 1 tấn.
 
Chú Sáu nhìn ra xa với “đôi mắt cậu buồn hiu”: “Trước đây, thất mùa nhưng trúng giá nên nhà vườn còn sống được. Năm nay chôm chôm đã thất mùa mà rớt giá thì nhà vườn chịu trắng tay”. Còn vườn chôm chôm của chị Nguyễn Thảnh (xã Hòa Ninh) mùa rồi thu hoạch hơn 5 tấn trái, năm nay thất trắng.
 
Chị Thảnh thở dài nghe não lòng: “Vài năm nay, cây trái thất mùa liên miên, giá thì bấp bênh. Thất vụ thì phải đợi sang năm sau, không như làm ruộng rẫy chỉ vài ba tháng là có thu nhập lại. Trước đây, người dân cù lao Minh có câu cửa miệng: “Một công rẫy bằng bảy công ruộng, một công vườn bằng ba công rẫy”, bây giờ thì đảo ngược lại rồi...”
 
Trong tình trạng chôm chôm thất mùa rớt giá, chỉ có một nhà vườn có điều kiện “cứu vãn” bằng cách cho khách vào vườn tham quan, bán “trái cây bụng”, mở thêm dịch vụ ăn uống. Hiện trên các tuyến đường ở cù lao Minh, người dân treo đầy những tấm bảng mời gọi khách. Cuối tuần, khách du lịch xôn xao, cù lao nhộn nhịp nhưng không biết nên buồn hay vui…
 
Nhãn da bò một thời được người dân phong tặng “cây làm giàu”, chỉ cần có 1- 2 công nhãn là không còn phải sợ nghèo và cầm chắc xây được nhà tường, sắm ghe xuồng. Vậy mà, giờ đây cây nhãn da bò cũng làm nhà vườn phải “mất ăn mất ngủ”.
 
Anh Nguyễn Văn Vĩ (xã An Bình) có hơn 10 công nhãn da bò, cho biết: “Gần đây, nhãn da bò có giá cao thường rơi vào thời điểm nghịch mùa, sản lượng ít. Nhưng vào vụ giá rẻ như bèo. Vài năm nay, lại thêm dịch bệnh chổi rồng làm cây suy kiệt. Hiện tại nhãn 2 năm mới cho một vụ nhưng năng suất rất thấp từ 300- 500 kg/công, giá trung bình từ 8.000- 10.000 đ/kg, lời lóm không bao nhiêu, chỉ khoảng 2 triệu đồng/công/2 năm…
 
Cây chanh tàu cũng cùng chung số phận. Có thời điểm chanh tàu giá cao ngất ngưởng gần 40.000 đ/kg, người dân đổ xổ trồng. Song, cây chanh lên “ngôi vương” trong thời gian ngắn ngủi. Giá chanh lại tuột dốc thảm hại và hiện tại giá chanh tàu chỉ vài ngàn đồng/kg loại 1. Anh Nguyễn Văn Sỹ- người trồng chanh tàu gần chục năm nay- khẳng định chắc nịch: Trồng chanh tàu bạo phát bạo tàn, hên trúng giá, trúng mùa thì còn có lời chút đỉnh. Nhưng cầm chắc “cái lời” lâu dài là mang bệnh vào người, bởi trồng chanh phun thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều.
 
Đốn thì thương, vương thì… lỗ
 
Đi một vòng cù lao Minh, điều dễ nhận thấy là vườn cây xanh tốt ngày nào không còn nữa, thế vào đó là những vườn già cỗi, cây đứng trơ trơ, xơ xác do dịch bệnh hoành hành. Người dân đang lo lắng dịch chổi rồng trên cây nhãn da bò còn chưa dập được thì nó đang tấn công sang chôm chôm và các loại nhãn khác. Vĩnh Long đã công bố dịch chổi rồng trên cây nhãn và đang thực hiện việc dập dịch. Song bà con lo sợ, nếu thực hiện không đồng loạt thì không khéo nhện lông nhung lại “di tản” từ xóm này sang xóm khác, vùng này sang vùng khác thì dịch khó lòng mà dập được triệt để.
 
Hiện người dân đang trông chờ từng ngày được hỗ trợ từ Nhà nước, ngành chuyên môn để sớm có biện pháp cứu vãn vườn nhãn da bò một thời từng là niềm tự hào của người dân cù lao. Anh Vĩ vẻ mặt đượm buồn, thở dài, chỉ vườn nhãn: “Cây nhãn như vầy thì làm sao xử lý ra bông được, bón bao nhiêu phân cũng không ra đọt. 2 năm rồi cây đứng yên đó chưa thu hoạch được vụ nào, “đốn thì thương, vương thì lỗ nặng”.
 
Mấy năm trước, một số người có vườn ở ven sông đã mạnh tay đốn nhãn, chôm chôm, theo phong trào đào ao nuôi cá. Bác Ba (xã An Bình) đốn gần 15 công nhãn đào ao nuôi cá tra hy vọng đổi đời, vì “muốn giàu nuôi cá” và bác cũng nuôi được vài vụ rồi… cũng bỏ ao luôn. Bác Ba lắc đầu ngao ngán: “Nuôi cá bỏ ra tiền tỷ nhưng lúc “trái gió trở trời”, cá “nhõng nhõe”, thị trường đầu ra gặp khó là mất ăn mất ngủ, vậy mà lời cũng không có bao nhiêu. 4 vụ lời, chỉ cần 1 vụ lỗ là chủ ao sạch vốn luôn. Tui nghỉ nuôi hơn 2 năm rồi, kể như 15 công đất đào ao không có thu nhập…”
Trúng mùa rớt giá “điệp khúc” buồn của nhà vườn.

Một số hộ khác thì đánh liều đốn bỏ nhãn, chôm chôm trồng cam sành, cà phê hay tạp nhạp nhiều loại cây, nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế và rồi lại đốn bỏ trồng cây khác. Theo thống kê mới đây của huyện, do giá cả bấp bênh, dịch bệnh hoành hành, cù lao Minh có số hộ nghèo cao nhất huyện. Nhiều thanh niên không việc làm bỏ địa phương đến các khu công nghiệp làm công nhân kiếm thêm thu nhập.

Hiện người dân cù lao Minh đang rối bời không biết trồng cây gì cho phù hợp với vùng đất, thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn: trồng- chặt, trúng mùa- rớt giá; còn sâu bệnh thì ào ạt tấn công. Hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái và tương lai của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống trên vùng đất cù lao Minh đang khốn đốn trước giá cả bấp bênh và dịch bệnh hoành hành.  

Theo người dân ở cù lao Minh: Thời hoàng kim, 1 công nhãn da bò hay chôm chôm mỗi vụ cho thu nhập 30– 40 triệu đồng. Giá sang nhượng đất thời điểm đó cao ngất ngưởng và được tính bằng vàng, trung bình mỗi công có giá từ 8– 10 lượng vàng 24K. Nhưng vài năm trở lại dịch bệnh, giá trái cây bấp bênh, giá đất cũng đi xuống chỉ còn vài lượng vàng/công. Những khu đất mặt hậu chỉ còn vài chục triệu đồng/công nhưng vẫn khó bán. Hiện nhà vườn có xu hướng chuyển nhượng đất, chuyển sang ngành nghề khác.

(Nguồn: Tinmoi.vn)