Xã nghèo và “cần câu cá”

Xã nghèo và “cần câu cá”
Thực hiện Quyết định 1310 QĐ/UBND-TH ngày 24-4-2012 của UBND tỉnh Nghệ An về vận động ủng hộ người nghèo, xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An, Ban Thường trực, Chi ủy, Công đoàn cơ quan UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã giúp đỡ xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) với phương châm "cho cần câu cá”. Sau gần 1 năm thực hiện, cách làm đó đã có kết quả bước đầu.
Chủ trương thiết thực
 
Năm 2006, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Đảng ủy các cơ quan Dân chính Đảng (nay là Đảng ủy khối cơ quan) tỉnh Nghệ An đã có một chủ trương được các cơ quan cấp tỉnh ủng hộ, nhận trách nhiệm với một ý nghĩa rất nhân văn, đó là nhận giúp đỡ các xã nghèo ở miền Tây Nghệ An. 86 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đồng loạt đi vào thực hiện. 
 
Đến tháng 4-2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 1310 với việc phân công cho từng đơn vị cụ thể để giúp đỡ. Theo quyết định, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhận hỗ trợ, giúp đỡ các xã nghèo về phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ công nhân viên ủng hộ, trích từ nguồn hợp pháp của đơn vị để xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình kinh tế để phát triển sản xuất, hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cụ thể, các huyện gồm Kỳ Sơn có 16 xã được giúp đỡ, huyện Tương Dương (16 xã) huyện Quế Phong (10 xã), huyện Anh Sơn (3 xã), huyện Thanh Chương (5 xã), huyện Tân Kỳ (6 xã), huyện Qùy Hợp (11 xã), huyện Qùy Châu (11 xã), huyện Nghĩa Đàn (3 xã) và huyện Con Cuông (3 xã). 
 
Đây là những xã thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Nghệ An, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chủ trương này còn mang tính hình thức, các đơn vị chủ yếu chỉ giúp đỡ bằng cách trao quà chứ chưa xác định trọng tâm như nội dung quyết định. Mặt khác, với việc giúp đỡ xã nghèo cần phải xác định lâu dài, bền bỉ và có phương pháp cụ thể cho từng địa phương, thậm chí phải "cho cần câu cá”. Đó mới là nội dụng của chủ trương muốn hướng tới. 
 
Được biết những nội dung của chủ trương này được rất nhiều đơn vị quan tâm thực hiện, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực cho những xã nghèo mà đơn vị đảm nhận.
 
Việc làm cụ thể
 
MTTQ tỉnh Nghệ An được giao đảm nhận xã nghèo Yên Na, huyện Tương Dương. Cũng giống như các xã nghèo khác, xã Yên Na nằm ở thượng nguồn sông Nậm Nơn với 9 bản (có 3 bản dân tộc Khơ Mú, 6 bản dân tộc Thái) hơn 1.000 hộ dân với 4,3 ngàn nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 81%. 
 
Ngay khi có quyết định, MTTQ tỉnh đã thành lập một tổ công tác giúp đỡ xã Yên Na, tiến hành khảo sát tại địa phương này. Sau gần 1 năm thực hiện, MTTQ tỉnh đã thực hiện được các mô hình kinh tế. Trong đó chú ý nhất là mô hình chăn nuôi lợn đen. Trên cơ sở nguồn kinh phí 30 triệu đồng, MTTQ tỉnh đã hỗ trợ thêm 7 hộ nghèo (10 triệu đồng/hộ) không lấy lãi để thực hiện mô hình kinh tế này. Ngoài ra, từ nguồn quỹ vận động quyên góp được MTTQ tỉnh đã xây dựng được 4 nhà đại đoàn kết với kinh phí 80 triệu đồng, hỗ trợ dụng cụ học tập cho các em học sinh tiểu học Yên Na 2. Với mô hình thực hiện nếp sống văn hóa mới, MTTQ tỉnh đã vận động nhiều hộ gia đình tự giác di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng các công trình vệ sinh, khai hoang ruộng lúa trồng nước. 
 
Bác Pay Văn Chỏ (dân tộc Thái) ở bản Xiềng Nứa chia sẻ: "Trước đây, do thiếu hiểu biết, hầu hết các hộ dân ở bản mình thường nuôi gia súc dưới gầm nhà, rất mất vệ sinh và bệnh tật, nhờ có sự hướng dẫn và tích cực vận động của cán bộ Mặt trận, giờ đây bản mình không ai nuôi gia súc, gia cầm như vậy nữa, đã tách thành chuồng riêng, cách xa nhà ở rồi”. 
 
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hóa, cùng với chính quyền địa phương MTTQ tỉnh đã tích cực vận động, đồng thời hướng dẫn cách làm thực hiện các tiêu chí văn hóa. Nhờ đó, đến nay xã Yên Na đã có 40% hộ xây dựng được nhà tắm, 75% hộ có công trình nhà vệ sinh, 70% hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, 7/9 bản xây dựng hương ước, quy ước trong việc tang, việc cưới, nên đã chấm dứt được nạn tảo hôn hoặc cưới không đăng ký kết hôn, 2 bản được công nhận là làng văn hóa. 
 
Ông Nguyễn Văn Huy – Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho biết: "Thực hiện chủ trương thiết thực của tỉnh, tổ công tác giúp đỡ xã nghèo của MTTQ tỉnh đã nghiêm túc thực hiện, đồng thời chỉ đạo các thành viên nắm sát địa bàn, kịp thời báo cáo kết quả của việc thực hiện các mô hình mà chúng tôi cùng với chính quyền địa phương đang thực hiện”.
Bắc Vũ
nguồn:ddk.vn