Xây dựng NTM và nguy cơ “bê tông hóa” nông thôn

Xây dựng NTM và nguy cơ “bê tông hóa” nông thôn
Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa nắm vững bản chất của từng tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí giao thông nên nhiều địa phương đã ồ ạt phá bỏ đi nhiều cây trồng, công trình vốn đã có từ nhiều đời để thay thế bằng các con đường bê tông mới. Điều này vô tình đã làm biến dạng bộ mặt của nông thôn Việt Nam. Ghi nhận từ một xã ngoại thành thành phố Hải Phòng.

 Đường còn dài, còn rộng nữa
 
Xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng… 100% hệ thống đường giao thông thôn, xóm ở đây đã được bề tông hóa với bề rộng 2,5m. Tuy nhiên, đối chiếu với tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, những con đường này sẽ phải mở rộng thêm 1 – 1,5m.
 

Để làm được điều đó, 3 cái cổng làng hàng trăm năm tuổi sẽ buộc phải phá bỏ - điều mà người dân không thể đồng tình, vì đó là biểu tượng của cả làng.
 

“Giờ mà phá cổng làng để phù hợp với tiêu chí thì mất dáng dấp của làng đi. Tôi và dân làng đều muốn giữ lại vì cổng làng và Cung Đình là 2 công trình cổ còn lại cuối cùng của thôn Kim Sơn chúng tôi.” Ông Đoàn Đắc Tuấn, đại diện người dân thôn Kim Sơn, xã Tân Trào nói lên suy nghĩ của mình trước thông tin có thể cổng làng bị phá bỏ.
                                                   
                                                                           Cổng làng thôn Kim Sơn 
 
Nguy cơ mất những biểu tượng của làng
 

Xã Tân Trào được huyện Kiến Thụy chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Đến nay, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí. Riêng tiêu chí giao thông thì gần như bế tắc.
 

Ông Nguyễn Xuân Thắng, chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: “Tân Trào có 4 thôn thì 3 thôn, mỗi thôn có 1 cái cổng làng. Khi mà mở đường làng theo bộ tiêu chí thì chúng ta phải gỡ bỏ hoàn toàn các cổng. Có những cái cổng xây cách đây hàng trăm năm. Tôi cho rằng đây là những công trình văn hóa do ông cha để lại. Và khi xây dựng nông thôn mới thì cũng cần giữ nguyên hiện trạng những công trình cổ, đặc biệt là đình, chùa và các cổng làng. Nếu mà phải phá bỏ thì đây là những vấn đề cực kì khó khăn khi đưa ra để mở đường làng.”
 

Từ ngàn năm nay, làng quê Việt Nam thường gắn với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình hay chiếc cổng làng… Vì thế, việc phá đi những hàng rào làm bằng cây trồng lâu năm, mở rộng những tuyến đường lát gạch nghiêng, thậm chí phá bỏ cả những công trình mang tính biểu tượng của làng, để thay thế bằng những con đường bê tông đang khiến cả những người làm công tác tham mưu cho xây dựng NTM ở Hải Phòng cũng phải băn khoăn.
 

“Đúng là các lãnh đạo địa phương và các đại diện ban ngành thì đều có một quan niệm là chúng ta đang đô thị hóa nông thôn, bê tông hóa nông thôn và quên đi bản sắc về văn hóa, lịch sử truyền thống.”- Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Sở NN&PTNT Tp Hải Phòng bày tỏ lo ngại.
 

Mấu chốt của việc làm đường giao thông trong xây dựng NTM là giúp người dân thuận tiện trong đi lại, sản xuất chứ không phải là xây dựng cho được những con đường to, đẹp bằng mọi giá. Nếu xu hướng bê tông hóa tiếp tục được triển khai ồ ạt, chẳng bao lâu, bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ đi màu xanh quen thuộc. Và khi đó, người dân nông thôn sẽ sớm trở nên lạc lõng ngay giữa làng xóm.
 

Văn Khôi
 
Ảnh: Quốc Hùng
 
Ngày 15/10/2012 - Theo VnExpress