Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung (bài 1): “Cái khó bó cái khôn”
- Thứ năm - 13/11/2014 10:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiến độ... rùa bò!
Theo kế hoạch rà soát quy hoạch từ các địa phương, toàn tỉnh cần xây dựng 44 cơ sở giết mổ tập trung, nhằm đảm bảo 100% gia súc giết mổ được kiểm soát theo đúng quy định. Chủ trương này được xem là bức thiết, cần làm ngay để kiểm soát ATVSTP tại gốc; hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và đoàn kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Việt Xuyên (Thạch Hà) vào ngày 6/11. |
Tuy nhiên, thực tiễn diễn ra lại không đơn giản. Bằng chứng là cho đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới đưa vào hoạt động 7 cơ sở giết mổ tập trung. Trên thực tế, chỉ 4 cơ sở được xây mới, còn 3 lò trong số này đã có từ trước, nay được nâng cấp theo đúng quy chuẩn. Ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung chậm so với kế hoạch, nhưng chủ yếu là vướng quy hoạch hoặc không bố trí được vị trí xây dựng, thứ nữa là công tác tuyên truyền, chỉ đạo của các địa phương còn thiếu quyết liệt và cuối cùng là năng lực, số lượng cán bộ thú y hạn chế, khiến việc kiểm soát giết mổ tại các hộ gặp nhiều khó khăn”.
Nghi Xuân dự kiến xây dựng 4 cơ sở giết mổ tập trung, ngặt nỗi, “đụng” đâu là vướng đấy. Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hai cơ sở tại Xuân An, Xuân Giang đều trùng quy hoạch đô thị. Hiện tại, chỉ duy nhất cơ sở tại xã Cổ Đạm đang tiến hành san lấp mặt bằng. Sắp tới, huyện sẽ tiến hành rà soát và xin điều chỉnh quy hoạch tại Xuân An, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành 2 cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn”.
Huyện miền núi Vũ Quang cố gắng lắm cũng chỉ hoàn thành được 1 cơ sở tại thị trấn vào cuối năm nay, điểm thứ 2 ở xã Đức Bồng, theo ông Võ Quốc Hội - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện thì: “Địa phương chỉ có 10 hộ giết mổ, phần lớn tể lô chở lợn sang địa bàn huyện Đức Thọ giết mổ. Hơn nữa, đất ở Đức Bồng khá đắt, khó để đền bù GPMB”.
Lò xây xong… bỏ trống!
Đầu tư gần 800 triệu đồng cho cơ sở hạ tầng, cơ sở giết mổ tập trung xã Song Lộc (Can Lộc) được xây dựng khá hiện đại, chia thành các khu riêng biệt, phục vụ công tác giết mổ đúng quy trình và đảm bảo ATVSTP. Nhà đầu tư tính toán, với công suất ít nhất 70 con/ngày đêm, lò mổ này sẽ đáp ứng nhu cầu cho 8 xã Song Lộc, Phú Lộc, Thường Nga, Gia Hanh, Kim Lộc, Trường Lộc, Thanh Lộc và Yên Lộc. Hai tháng đi vào hoạt động, những gì nhận được vẫn là cảnh đìu hiu, khác với không khí rôm rả, đông đúc diễn ra ở các điểm giết mổ tại gia diễn ra hằng đêm trên địa bàn.
Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco công suất 500 con/ngày vừa khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 7/2014 |
Bà Đào Thị Mai - chủ lò mổ ngậm ngùi: “Có ngày lò giết mổ được 1-2 con lợn, thậm chí chẳng có con nào. Từ đầu tháng đến nay, lò gần như ngừng hoạt động vì không có gia súc. Để khuyến khích người dân, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tôi chưa thu đồng lệ phí nào, trong khi đó, hàng tháng vẫn phải trả một khoản chi phí để hoạt động”. Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan”, thậm chí, bà Mai sẵn sàng chịu lỗ thêm một thời gian nữa để hỗ trợ chi phí vào lò, miễn là thu hút được hộ giết mổ. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng tỏ ra chán nản và nhụt chí khi biết chỉ có cơ sở của mình là hiu hắt, tể lô hoặc vẫn “thậm thụt” mổ chui ở nhà, hoặc “cõng” lợn lên tận cơ sở ở Đức Dũng (Đức Thọ), nhất quyết không vào lò tại địa phương.
Cơ sở giết mổ tập trung Lan Đồng, xã Thạch Tân (Thạch Hà) trước nay vốn đã “kém duyên”, bây giờ được nâng cấp đạt “chuẩn” vẫn chưa thoát khỏi nghịch cảnh “sống dở, chết dở”. Mỗi ngày đêm, lò chỉ đạt khoảng 7-10% công suất thiết kế. Tìm hỏi một số tể lô trong vùng thì có người “chống chế” rằng, do đường vào lò bất tiện, người lại lấy lý do khoảng cách này khá xa so với một số xã trong cụm như: Thạch Xuân, Thạch Hương, Thạch Điền; một số khác lại chọn điểm giết mổ tại TP Hà Tĩnh.
Cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ phải có 20 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động. Thời điểm này, các địa phương đang cùng “tăng tốc” tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, để chủ trương này mang tính khả thi, cần xây dựng lộ trình cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là sự kiên quyết của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn trong việc kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và từng bước tiến tới xóa bỏ ở thời điểm thích hợp. Bằng không, “vỡ” quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung là hệ lụy khó tránh khỏi...!
Nguyễn Oanh - Hữu Trung
(Còn nữa)
Theo baohatinh.vn